Chiến lược "cương nhu linh hoạt" của Triều Tiên

ANTD.VN - Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang thực thi một chiến lược đàm phán hạt nhân khôn ngoan và thực dụng được cho là “cương nhu linh hoạt” với Mỹ.

Chiến lược "cương nhu linh hoạt" của Triều Tiên ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát việc thử nghiệm vũ khí mới của nước này

Không khỏi ngỡ ngàng trước thông tin Triều Tiên tiến hành thử nghiệm “vũ khí mới” mới đây. Cho dù chỉ là “vũ khí dẫn đường dùng trong chiến đấu trên mặt đất” chứ không phải là tên lửa đạn đạo, song điều này cũng chẳng khác nào việc muốn “khép lại” chặt hơn cánh cửa đàm phán hạt nhân với Mỹ khi mà tiến trình này lâm vào tình trạng bế tắc.

Càng đáng chú ý hơn khi đích thân nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên Kim Jong-un tới thị sát việc tiến hành thử nghiệm loại vũ khí mới được cho là tên lửa hành trình đa năng. Bởi thế, sự hiện diện của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại hiện trường thử vũ khí mới như muốn phát đi thông điệp cứng rắn rằng Triều Tiên không những không lo ngại mà còn sẵn sàng đương đầu và đáp trả những áp lực từ bên ngoài, đặc biệt là Mỹ.

Quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên cũng như tình hình bán đảo Triều Tiên đã “tăng nhiệt” trở lại sau khi hai bên không đạt được thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai vào cuối tháng 2 vừa qua. Washington tiếp tục giữ lập trường cứng rắn trong các điều kiện phi hạt nhân hóa với Triều Tiên, đồng thời tính tới việc siết chặt hơn nữa các lệnh trừng phạt chống Bình Nhưỡng.

Thế nhưng, những đòn “nắn gân” ấy của Mỹ đều không những không khiến Triều Tiên lùi bước mà trái lại, quốc gia này còn có những động thái nhằm thể hiện sự đáp trả không kém phần cứng rắn. Vụ “thử vũ khí mới” với sự thị sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un được xem là nhằm truyền tải thông điệp mạnh mẽ từ Bình Nhưỡng tới Washington rằng việc dùng “cây gậy” trừng phạt không phải là giải pháp cho vấn đề phi hạt nhân hóa.

Tuy tỏ ra rất “cương” để phản ứng lại biện pháp gây áp lực nhằm giành lợi thế của Mỹ, nhưng nhà lãnh đạo Kim Jong-un lại biết rõ đâu là điểm dừng để mọi thứ không tuột khỏi tầm kiểm soát của hai bên. Thử “vũ khí mới” là đủ để truyền tải thông điệp cần thiết, song chưa đến mức vượt “lằn ranh đỏ” như thử tên lửa đạn đạo hay vũ khí hạt nhân.

Chiến lược “cương nhu linh hoạt” của Triều Tiên còn được thấy qua việc Bình Nhưỡng yêu cầu Tổng thống Donald Trump thay thế cả Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton trong đàm phán hạt nhân song phương. Tuy vậy, Bình Nhưỡng lại có cách níu giữ để sự việc không vượt tầm kiểm soát khi vẫn khẳng định mối quan hệ tốt giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un với Tổng thống Donald Trump.

Triều Tiên và Mỹ sau khi nhận rõ lập trường và quan điểm của nhau tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai ở Hà Nội trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã cùng chuẩn bị cho một tiến trình đàm phán thực chất. Hơn thua hay được mất của tiến trình đàm phán này phụ thuộc không ít vào chiến lược đàm phán của mỗi bên. Cứng rắn quá để đàm phán đổ vỡ là điều cả hai cùng không mong muốn vì có thể dẫn tới hệ lụy khôn lường, nhưng không đủ “cương” lại có thể chịu phần thiệt hơn. 

Với chiến lược “cương nhu linh hoạt”, Triều Tiên rõ ràng muốn có kết quả đàm phán thực chất về phi hạt nhân hóa tốt nhất có thể.