Chiến lược bóng đá Việt Nam "chết yểu", ai chịu trách nhiệm?

ANTD.VN - Ngày 19-12, Bộ VH-TT&DL sẽ tổ chức hội nghị sơ kết 4 năm triển khai "Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030" với rất nhiều vấn đề, trách nhiệm cần mổ xẻ.

"Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030" được Thủ tướng Chính phủ thông qua ngày 8-3-2013, giao cho Bộ VH-TT&DL cùng các bộ, ngành liên quan triển khai. Tuy nhiên sau 4 năm thực hiện, nhiều nhiệm vụ đề ra còn dang dở và nguy cơ "chết yểu".

"Chết từ trứng nước"

Chiến lược ra đời trong bối cảnh bóng đá Việt Nam ít nhiều gặt hái được thành tích tại Đông Nam Á (bóng đá nam vô địch AFF Cup 2008, bóng đá nữ vô địch SEA Games, AFF Cup nữ) và đòi hỏi một hoạch định mang tính dài hơi, hướng tới các mục tiêu cao hơn. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, bóng đá Việt Nam có một chiến lược quy mô, bài bản.

Suốt 5 năm thực hiện Chiến lược, ĐTQG nam chưa một lần vô địch AFF Cup trong khi chỉ tiêu là từ 1-2 lần vô địch, lọt tốp 15 châu Á (Ảnh: BẢO LÂM)

Thế nhưng ngay ở thời điểm Tổng cục TDTT phối hợp LĐBĐ Việt Nam viết dự thảo để lấy ý kiến, nhiều ý kiến đã bày tỏ e ngại trước một số chỉ tiêu khó khả thi. Điển hình là chỉ tiêu trước năm 2020, ĐTQG Việt Nam dự World Cup, trước phản ứng từ dư luận, ban soạn thảo đã gạch bỏ chỉ tiêu này khỏi bản chiến lược chính thức trình Thủ tướng Chính phủ thông qua. Hay điều chỉnh chỉ tiêu bóng đá nam lọt tốp 10 châu Á thành vào nhóm 15 nền bóng đá mạnh nhất châu lục.

Dẫu vậy, một loạt chỉ tiêu được thông qua như bóng đá nam lọt tốp 15 châu Á, bóng đá nữ lọt tốp 6 châu Á, vô địch SEA Games và AFF Cup từ 2-4 lần, có tối thiểu 7.500 CLB bóng đá phong trào, 4.000 VĐV trẻ (U11-18) được đào tạo tập trung... sau quá nửa thời gian thực hiện chiến lược vẫn chưa đạt.

Làm gì với chiến lược đang "chết yểu"?

Dư luận đặt vấn đề: Tại sao một chiến lược được triển khai thực hiện qua gần 5 năm, gần tới hạn kết thúc và phải có chỉ đạo quyết liệt từ Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ VH-TT&DL mới tổ chức sơ kết? Và qua sơ kết, những tồn tại, yếu kém nếu được chỉ ra liệu có kịp để khắc phục?

"Phải phân tích rõ bất cập, nguyên nhân; nhìn nhận nghiêm khắc và quy rất rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân... khi sơ kết Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Là một trong số các chuyên gia được mời tham dự hội nghị ngày 19-12-2017, cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải cho biết ông không kỳ vọng vào việc hội nghị này có thể giải quyết được câu chuyện thực hiện mục tiêu chiến lược và các vấn đề của bóng đá Việt Nam hiện tại.

Được biết, tại hội nghị ngày 19-12, Bộ VH-TT&DL cùng Tổng cục TDTT sẽ lắng nghe ý kiến của các đại biểu trên tinh thần nhiệm vụ nào đang triển khai thì đẩy mạnh, còn những mục tiêu nào thấy bất khả thi phải xin ý kiến Chính phủ cho điều chỉnh.

Tại cuộc làm việc ngày 28-9-2017 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ VH-TT&DL sơ kết Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 sau 4 năm thực hiện, phải phân tích rõ bất cập, nguyên nhân; nhìn nhận nghiêm khắc và quy rất rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, do cơ chế, điều kiện khách quan hay chủ quan trong từng nội dung; trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành, địa phương đến đâu; cơ cấu tổ chức và hoạt động của VFF đã tuân thủ pháp luật về tổ chức xã hội nghề nghiệp, quy định của các liên đoàn bóng đá quốc tế mà VFF là thành viên hay chưa...

Nguy cơ hiện hữu là nhiều mục tiêu của chiến lược sẽ không thể đạt khi thời hạn thực hiện chỉ còn 2 năm. Vấn đề trách nhiệm của đơn vị chủ trì, bộ phận tham mưu lẫn tổ chức thực hiện, cụ thể là Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT và LĐBĐ Việt Nam có được mổ xẻ như yêu cầu của Phó Thủ tướng Đức Đam và mổ xẻ như thế nào tại hội nghị ngày 19-12?