Chiến hạm Trung Quốc là “sự lựa chọn lí tưởng” cho hải quân Nga?

ANTĐ - Số ra tháng 8 của tạp chí Quốc phòng Nga cho rằng, Moscow nên mua tàu chiến từ Trung Quốc để bù đắp cho sự thiếu hụt của mình trong ngành đóng tàu, đồng thời tăng cường sức mạnh của Nga trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo tạp chí này, loại tàu hộ vệ Type 054A của Trung Quốc có thể là một lựa chọn lí tưởng cho hải quân Nga.

Tàu hộ vệ  Type 054A được cho là sự lựa chọn hoàn hảo cho hải quân Nga

Trong bối cảnh Pháp hủy hợp đồng chuyển giao 2 tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral cho Nga, trước cáo buộc Moscow hỗ trợ cho phe nổi dậy tại miền đông Ukraine, thì nhu cầu củng cố và tăng cường sức mạnh đang trở nên bức thiết. Ngay cả khi Nga nhận được 2 tàu chiến Vladivostok và Sevastopol từ Pháp và biên chế chúng vào hạm đội trong 2 năm tiếp theo, thì số lượng tàu chiến là vẫn rất ít.

Tạp chí Quốc phòng Nga cũng cho biết, lúc này lực lượng tàu chống ngầm lớn nhất của  Nga cũng chỉ có vài tàu chiến đang hoạt động, bao gồm, 1 tàu tuần dương tên lửa Varyag và 4 tàu khu trục Dự án 1155. Tất cả những tàu này đều được đóng trong thời kỳ Xô Viết, chúng khá cũ và đã quá hạn sử dụng mà vẫn còn đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra tại các khu vực lân cận hoặc tham gia vào chiến dịch chống cướp biển châu Phi. Những tàu còn lại là 3 tàu khu trục Dự án 956, đang được bảo trì dài hạn và hầu như khả năng hoạt động rất hạn chế.

Trong khi đó, 1 chiếc tàu đổ bộ lớp Mistral cần từ 3-4 tàu hộ tống. Các chiến hạm khác, trong đó có 2 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo Borei thuộc Dự án 955, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015 cũng cần có tàu hộ tống.

Theo tạp chí Nga, giai đoạn này, Moscow gần như không có khả năng lấp đầy sự thiếu hụt của các tàu chiến hộ tống, mặc dù nhiều tàu vẫn đang được đóng tại các xưởng đóng tàu trên khắp đất nước. Hơn nữa, Việc bàn giao của 2 tàu hộ tống thuộc Dự án 20380 từ Cục Thiết kế Almaz đã bị trì hoãn vô thời hạn, cũng như các tàu của Dự án 22350 đang được lắp ráp bởi Cục Thiết kế phía Bắc cũng đang gặp phải các vấn đề về kinh phí và công nghệ.

Ukraine, một trong những quốc gia có khả năng sản xuất các động cơ turbine khí, vốn là nhà cung cấp công nghệ cho Nga, trước khi áp đặt lệnh cấm xuất khẩu động cơ này sang Moscow. Ngoài Ukraine, chỉ có Anh, Mỹ và Trung Quốc là 3 nước có khả năng sản xuất loại động cơ trên.

Như vậy, loại tàu hộ vệ Type 054A của Trung Quốc, theo NATO gọi tên là Jiangkai II, là hoàn toàn phù hợp đối với hải quân Nga vì nhiều lý do.

Trước hết, mô hình này được thiết kế và xây dựng với sự giúp đỡ từ các kỹ sư đóng tàu hàng đầu nước Nga, làm việc tại Cục thiết kế phía Bắc tại tại St Petersburg.

Thứ hai, các tàu này được trang bị vũ khí và các phương tiện điện tử được thiết kế theo các thông số kỹ thuật chuẩn, cho phép các bộ phận được trao đổi thuận tiện.

Thứ ba, đây là loại tàu chiến tiên tiến, xứng đáng là vũ khí mạnh mẽ với khả năng tàng hình, khả năng thích ứng và độ bền cao.

Cuối cùng, Tàu 054A đã từng phối hợp ăn ý với đội tàu của Nga trong cuộc tập trận quân sự Nga - Trung Quốc hồi đầu tháng 5-2014, nó đã cho thấy khả năng làm việc hiệu quả với tàu của Nga.

Bên cạnh đó, tàu hộ vệ này có trọng lượng nước rẽ 4053 tấn, dài 134.1m, rộng 16m. Tàu có thể đạt tốc độ tối đa 72 knot. Hệ thống vũ khí trên tàu gồm 8 tên lửa đối hạm C-803, 32 tên lửa phòng không HHQ-16, 1 hải pháo H/PJ26 cỡ 76,2 mm, 2 pháo bắn nhanh 7 nòng Type 730 30 mm, 2 cụm ống phóng ngư lôi săn ngầm 3 nòng YU-7 ASW 324 mm, 2 giàn phóng bom chìm 6 nòng Type 87 240 mm. Trên tàu còn có 2 nhà chứa máy bay, có thể chứa 1 máy bay trực thăng Kamov Ka-28 Helix hoặc Harbin Z-9C.

Mặc dù, trước đây, Nga là cố vấn cho Trung Quốc về công nghệ quốc phòng quốc gia, tuy nhiên bây giờ “sinh viên Trung Quốc” đã vượt qua “giáo viên Nga”. Không phải vì thế mà Nga “phải xấu hổ” khi yêu cầu sự giúp đỡ từ Trung Quốc, bởi vì việc xuất khẩu tàu chiến sẽ có lợi cho cả 2 bên. Các chiến hạm của Moscow sẽ sát cánh cùng quân đội Bắc Kinh để cân bằng ảnh hưởng của Mỹ và lực lượng hải quân Nhật Bản tại châu Á- Thái Bình Dương.