Chiến dịch truyền thông online "siêu khủng"

ANTĐ - Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016, ứng viên Donald Trump được đánh giá là người có chiến lược truyền thông xã hội “siêu khủng”. 

Chiến dịch truyền thông online "siêu khủng" ảnh 1Ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump

Ông hiện có 5,5 triệu người theo dõi trên Twitter, 4,5 triệu người yêu thích trên Facebook. Ông Donald Trump cũng thường xuyên sử dụng Vine, Instagram, YouTube và Periscope. Liệu chiến lược truyền thông này có giúp ông Trump trở thành vị Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ?

Theo phân tích của Tờ Guardian (Anh), cuối tháng trước, tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Donald Trump giảm 12% sau phát ngôn tranh cãi liên quan đến cộng đồng người Hồi Giáo. Tuy nhiên, gần đây uy tín của ông Donald Trump đã tăng trở lại với tốc độ “nhanh chưa từng có”. Dan Pfeiffer, một cựu trợ lý về phương tiện truyền thông kỹ thuật số của Tổng thống Obama trong đợt tranh cử trước nhận định rằng, “ông Trump là người có chiến lược truyền thông xã hội tốt hơn bất cứ ai khác trong đảng Cộng hòa”. Ông Trump cũng từng nhận mình là “Ernest Hemingway với 140 ký tự”.

Khác với những ứng viên Tổng thống khác, ông Trump khai thác triệt để sức mạnh từ mạng xã hội thay vì chi tiền để quảng bá trên truyền hình. Ông Trump thích post video clip ngắn lên Instagram, Vine, Twitter và Facebook. Các đoạn video được xây dựng đơn giản của ông Trump luôn nhận được sự quan tâm của rất đông cư dân mạng. Tài khoản YouTube của ông Trump hiện có 1,3 triệu lượt xem. Ông Trump cho biết, sẽ xây dựng những đoạn video dạng “hỏi - đáp” thường xuyên trên Periscope trong thời gian tới. 

Ông Trump có một chiến lược rõ ràng để tiếp cận cử tri trên Facebook. Đây cũng là mô hình mà Tổng thống Obama đã thực hiện thành công trong chiến dịch tranh cử của mình. Được biết, trong chiến dịch tranh cử Tổng thống lần trước, ông Obama đã có “trong tay” những nhân vật cực giỏi về mạng xã hội như Chris Hughes, người đồng sáng lập Facebook và giám đốc điều hành của Twitter - Jason Goldman. Ông Trump có thói quen đăng tải những tweets vào buổi tối sau khi các nhân viên đã trở về nhà. Ông Trump còn thường xuyên nói lời cảm ơn người hâm mộ, trả lời tin nhắn trên mạng xã hội. Đây được coi là “hành vi bất thường” của chính khách có số lượng người theo dõi đông đảo như ông Trump. “Ông Trump đã sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để thay thế các thiết bị truyền thống trong chiến dịch vận động tranh cử”, chuyên gia công nghệ Zac Moffat nhận định. 

Nhiều người đặt câu hỏi, số lượng người hâm mộ trực tuyến đông đảo có phải là yếu tố đảm bảo chiến thắng cho ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng? Thực tế cho thấy, không có gì chắc chắn cho điều này. Một “tín đồ” công nghệ dễ dàng ấn nút “like” hay “chia sẻ” status, hình ảnh ông Trump nhưng điều đó không chắc là anh ta sẽ bỏ phiếu ủng hộ. Kết quả một nghiên cứu cho thấy, trong số hàng triệu người yêu thích facebook của ông Trump, chỉ có 42% ở Mỹ. Nhiều “tín đồ” đến từ các nước đang phát triển, đặc biệt ở khu vực châu Á.