Chiến dịch quân sự giải cứu con tin tại Yemen của Mỹ thất bại

ANTĐ - Ngày 4-12, Nhà Trắng đã thừa nhận rằng, chiến dịch quân sự do quân đội Mỹ tiến hành hồi tháng trước nhằm giải cứu một nhà báo Mỹ bị các chiến binh al-Qaeda bắt cóc ở Yemen đã thất bại.

Trong một tuyên bố, phát ngôn viên Hội đồng an ninh quốc gia Bernadette Meehan cho biết: “Chiến dịch này do các lực lượng quân sự Mỹ và Yemen, phối hợp với chính phủ Yemen, thực hiện. Thật đáng tiếc, Luke đã không có mặt lúc đó, mặc dù con tin của các quốc gia khác có mặt và đã được giải cứu”.

Nhà báo Mỹ Luke Somers, 33 tuổi, đã bị các tay súng thuộc lực lượng al-Qaeda ở bán đảo Arap (AQAP) bắt cóc ở thủ đô Sanaa của Yemen vào tháng 9-2013.

Cuộc đột kích nhằm vào mục tiêu là một hang động ở huyện Hajr as-Say'ar, phía Đông tỉnh Hadramout của Yemen. Quân đội Mỹ và quân đội Yemen đã cứu thoát được 6 con tin Yemen, một con tin Arab, một con tin Ethiopia, đồng thời tiêu diệt được 7 thành viên thuộc tổ chức khủng bố al-Qaeda.

Nhà báo Mỹ Luke Somers bị bắt cóc tại Yemen

Bộ Quốc phòng Yemen sau đó dẫn lời một người lính tham gia chiến dịch cho biết,  một con tin người Mỹ, một con tin người Anh và một người Nam Phi từng bị giam giữ tại hang động trên, nhưng đã bị chuyển đến nơi khác từ 2 ngày trước đó.

Trong khi đó, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho rằng, chiến dịch quân sự giải cứu con tin này có sự phối hợp tham gia của cả các lực lượng mặt đất và không quân của quân đội Mỹ tại khu vực này.

“Chúng tôi sử đầy đủ các lực lượng và phương tiện của quân đội, tình báo, thực thi pháp luật và ngoại giao để đưa người của chúng tôi về nước bất cứ khi nào có thể”, ông cho biết trong một tuyên bố. Tuy nhiên, ông cho rằng chi tiết về chiến dịch này vẫn được giữ bí mật.

Chiến dịch giải cứu, do đích thân Tổng thống Barack Obama yêu cầu thực hiện, đã được tiết lộ chỉ vài giờ sau khi AQAP đăng tải trên Internet một đoạn video có nội dung cho thấy nhà báo Somers đang cầu cứu giúp đỡ.

Xuất hiện trong đoạn video này, người đàn ông tự nhận mình là Somers cho biết,  anh đang tìm kiếm mọi sự giúp đỡ để có thể đưa mình thoát khỏi tình cảnh này. Người đàn ông nói sinh ra tại Anh và là công dân Mỹ. Video này hiện chưa được Washington xác thực.