Chiến dịch "Lưới trời" bắt quan tham trốn ra nước ngoài

ANTD.VN - Văn phòng công tác truy nã và thu hồi tài sản quốc tế thuộc Tổ điều phối chống tham nhũng Trung ương Trung Quốc vừa phát động chiến dịch “Lưới trời” 2017 nhằm truy bắt các nghi phạm tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài và thu hồi tài sản phi pháp của các đối tượng này.

Theo quy định mới, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc sẽ phụ trách công tác truy tìm các đối tượng thuộc diện quan chức phạm pháp bỏ trốn ra nước ngoài và thu hồi tài sản phi pháp.

Bộ Công an Trung Quốc sẽ triển khai chiến dịch “Săn cáo” để bắt giữ các nghi phạm đang lẩn trốn ở nước ngoài. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ phối hợp với Bộ Công an chặn đứng các hoạt động chuyển tiền phi pháp thông qua các công ty ở nước ngoài và các ngân hàng ngầm. 

Chiến dịch "Lưới trời" bắt quan tham trốn ra nước ngoài ảnh 1Tội phạm tham nhũng Trung Quốc trốn ra nước ngoài bị đưa về nước chịu tội

Danh sách đỏ

Theo số liệu được công bố chính thức  năm 2016, nhà chức trách Trung Quốc đã bắt giữ và đưa về nước 1.032 nghi phạm lẩn trốn tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 134 cựu quan chức thuộc các cơ quan Nhà nước, 19 người trong số này nằm trong danh sách truy nã khẩn cấp và thu hồi về 2,4 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 346 triệu USD). 

Theo Thời báo Kinh tế mới (Tân Kinh thời báo), số lượng quan tham Trung Quốc trốn ra nước ngoài tăng nhanh chóng mặt. Năm 2001, mới có hơn 4.000 trường hợp với số tiền hơn 5 tỷ Nhân dân tệ, đến năm 2008, số người tăng hơn 16.000 và số tài sản tham nhũng bị đưa ra nước ngoài đã tăng gấp 160 lần.

Tân Hoa xã, Nhân dân Nhật báo và Bloomberg đã có bài báo miêu tả 6 cách mà người Trung Quốc chuyển tiền ra nước ngoài: Nhờ hiệu đổi tiền ở Hồng Kông (Trung Quốc); dùng séc của “ngân hàng ngầm”; tập trung nhiều người để chuyển tiền; giấu tiền trong hành lý; mở tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng nước ngoài và dùng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ để mua hàng, sau đó chuyển món hàng mua được thành tiền mặt.

Dòng tiền từ Trung Quốc ào ạt chạy đến mọi ngõ ngách trên khắp thế giới. Trong vòng 1 năm tính đến tháng 3-2015, người Trung Quốc rót 30 tỷ USD vào thị trường địa ốc Mỹ. Tại Sydney (Australia), 1/4 số nhà mới xây được bán cho khách Trung Quốc. Tại Vancouver (Canada), người Trung Quốc góp phần đẩy giá nhà tăng gấp đôi trong 10 năm qua.

Còn tại Hồng Kông, một phần vì khách Trung Quốc đại lục mà giá nhà tăng 60% kể từ năm 2010. Ngân hàng Thụy Sỹ UBS ước tính đã có 324 tỷ USD được giới nhà giàu Trung Quốc chuyển ra nước ngoài trong năm 2014. Các công ty Trung Quốc cũng ồ ạt thâu tóm nhiều công ty ở nước ngoài.

Thực tế, “bàn tay sắt” của Chính phủ Trung Quốc gặp phải nhiều “vật cản” khi tội phạm chạy tới những nước đang có nội chiến. Liu Dong, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống tội phạm kinh tế thuộc Bộ Công an Trung Quốc nói với Nhân dân Nhật báo rằng tại một quốc gia (không nêu tên), một kẻ chạy trốn đã bị Công an Trung Quốc bắt. Y chẳng những không sợ, còn cảnh cáo lực lượng này rằng xe của họ sẽ không ra khỏi khu vực do quân nổi dậy kiểm soát bởi y có mối quan hệ mật thiết với các thủ lĩnh ở vùng này.

Ngoài ra, cảnh sát Trung Quốc còn gặp khó khi chưa có hiệp định dẫn độ với các quốc gia thường là điểm đến của những kẻ trốn truy nã của nước này như Mỹ và Canada. Trung Quốc đã ký hiệp định dẫn độ với 41 nước, trong đó có Indonesia. Hầu hết các nước này ở khu vực châu Á...

Mẻ lưới đầu tiên 

Chiến dịch “Lưới trời” 2017 được khởi động cùng thời điểm cảnh sát Trung Quốc lần đầu tiên dẫn độ thành công tội phạm lẩn trốn tại Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) về nước. Đối tượng bị dẫn độ phạm tội lừa đảo hợp đồng và nằm trong danh sách truy nã của chiến dịch “Lưới trời”.

Theo hồ sơ điều tra của Cảnh sát Thượng Hải, đối tượng này đã làm giả hồ sơ nhà đất để lừa đảo và chiếm đoạt 2 triệu Nhân dân tệ từ các nạn nhân mua nhà. 9 năm trước (tháng 3-2008), y trốn sang UAE và gần 2 năm trước (tháng 4-2015), Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đưa tên này vào danh sách truy nã “Lưới trời”. Cùng thời điểm kể trên, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương tuyên bố, cựu Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Đông, kiêm Bí thư Thành ủy Chu Hải, ông Lý Gia đã bị khai trừ khỏi Đảng, bị cách chức do hàng loạt sai phạm, trong đó có hành vi tham nhũng và hồ sơ vụ việc sẽ được chuyển tới cơ quan chức năng để xử lý theo pháp luật.

Theo tuyên bố của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, ông Lý Gia đã câu kết bè phái để phục vụ lợi ích cá nhân và thực hiện những hoạt động “phi tổ chức”. Ngoài ra, ông Lý Gia còn vi phạm các quy định về tổ chức thông qua việc cung cấp thông tin giả mạo, vi phạm các quy định liên quan tới bổ nhiệm cán bộ và nhận hối lộ.

Cựu Bí thư Thành ủy Chu Hải còn lạm dụng công quỹ để phục vụ những cuộc truy hoan và du lịch cá nhân. Gần 1 năm trước (23-3-2016), ông Lý Gia đã bị điều tra, sau khi cơ quan chức năng nhận được hơn 400 đơn thư tố cáo. Trong đó có đơn tố cáo của 25 phụ nữ (từ năm 2011 đến năm 2016), và liên quan đến hơn 80 công trình với tổng số tiền lên tới 43,37 tỷ Nhân dân tệ.

Dư luận cho rằng, ông Tôn Hoài Sơn đã trở thành “hổ” cấp bộ (Phó Tổng Thư ký Hội nghị Chính hiệp toàn quốc, Chủ nhiệm Ủy ban công tác Hồng Kông, Macao, Đài Loan và Hoa kiều) đầu tiên bị “ngã ngựa” năm 2017.