Chiêm ngưỡng "Thư pháp của các hoàng đế nhà Nguyễn"

ANTD.VN - Với trên 100 phiên bản châu phê, triển lãm "Thư pháp của các Hoàng đế nhà Nguyễn"  sẽ giới thiệu đến công chúng, những người đam mê hội họa thư pháp thưởng thức những nét độc đáo, tinh hoa nhất từ bút tích của đích thân các vua nhà Nguyễn trên châu bản. Triển lãm diễn ra vào sáng ngày 3-1-2020 tại Trung Tâm Lưu trữ Quốc gia I, số 5 Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội 

Nói đến bút tích của các hoàng đế nhà Nguyễn, không thể không nhắc đến châu bản. Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính, chủ yếu được viết tay trên giấy dó bằng chữ Hán Nôm, trên văn bản hiện còn lưu bút tích phê duyệt bằng mực son của 10 vị hoàng đế nhà Nguyễn. Mặc dù không chủ tâm thể hiện chữ viết theo lối thư pháp nhưng châu phê của các Hoàng đế trên châu bản đã phần nào thể hiện kỹ thuật vận bút điêu luyện, đạt đến trình độ thẩm mỹ rất cao.

Các hoàng đế nhà Nguyễn phê duyệt trực tiếp trên Châu bản bằng mực son với nhiều hình thức phong phú như: Châu phê, châu điểm, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải.

Bút son trên châu bản triều Nguyễn không chỉ đơn thuần ẩn chứa những giá trị nghệ thuật đặc sắc, mà nội dung còn thể hiện vai trò quyền lực của người đứng đầu đất nước với những quan điểm về cách trị quốc, an dân khác nhau của mỗi vị Hoàng đế. Giai đoạn triều Nguyễn còn là một vương triều độc lập (1802-1884), nội dung phê duyệt của các hoàng đế trên châu bản thể hiện ý chí, quyền lực của người đứng đầu đối với mọi vấn đề của quốc gia.

Vua Thành Thái (1889 -1907)

Vua Gia Long (1802-1820) phê duyệt trên châu bản không nhiều, chủ yếu là những văn bản có nội dung kê khai dân số của trường duyệt tuyển địa phương. Điều này thể hiện hoàng đế rất quan tâm đến vấn đề quân sự quốc phòng.

Vua Minh Mệnh (1820 - 1840) đặc biệt quan tâm phê duyệt trên châu bản triều Nguyễn với những nội dung liên quan đến việc củng cố chế độ quân chủ trung ương tập quyền và tình hình nông nghiệp, đê điều.

Vua Thiệu Trị (1841-1847) là người yêu thích thơ ca, tính tình hiền hòa, bởi vậy nên lời phê rất dung hòa, nhẹ nhàng tập trung chủ yếu trên lĩnh vực liên quan đến đời sống của nhân dân lao động.

Vua Tự Đức (1848 - 1883) là người đặc biệt yêu thích thơ văn, chính vì vậy trên rất nhiều văn bản, lời phê của nhà vua còn dài hơn tấu trình của quan. Qua nội dung lời phê của hoàng đế Tự Đức có thể thấy rõ bối cảnh lịch sử, kinh tế - xã hội, chính trị, ngoại giao của Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỉ XIX. Đây là thời kỳ đánh dấu sự suy yếu của nhà Nguyễn và nhiều sự kiện xấu với vận mệnh Đại Nam, quân đội nhà Nguyễn ngày càng suy yếu, kinh tế trì trệ.

Từ nội dung phê duyệt của vua Tự Đức trên châu bản đã cho chúng ta cái nhìn toàn diện hơn về bối cảnh triều đình nhà Nguyễn ngày càng bất lực trước sự tấn công của Pháp. Cuối cùng, tới năm 1883, Tự Đức qua đời, ngay sau đó Pháp tấn công vào kinh đô và ép buộc nhà Nguyễn phải công nhận sự "bảo hộ" của Pháp trên toàn Đại Nam. Nhà Nguyễn sau thời Tự Đức chỉ còn là danh nghĩa, nên bút son của các Hoàng đế trong giai đoạn (1884-1945) không vượt ra ngoài giới hạn của cung điện như: Tế lễ, thăng bổ, xét thưởng, xử phạt.

Vua Kiến Phúc (12/1883 - 7/1884) tại vị trên ngai vàng được 8 tháng. Nên hiện nay, trên châu bản triều Nguyễn, chỉ còn lưu lại bút tích của vua Kiến Phúc với nội dung: Giao Viện Cơ mật xem xét, cất giữ trên hai bản tấu vào năm Kiến Phúc thứ nhất (1884) của Bộ Lễ về việc công văn giấy tờĐây là minh chứng khẳng định, trên thực tế vua Kiến Phúc hầu như không có quyền hành trong việc cai trị đất nước.

Vua Đồng Khánh (1885-1888) là người hiền lành, thích đọc sách Kinh dịch và bói toán. Thời gian vua Đồng Khánh trị vì, tình hình chính sự trong nước không ổn định, sĩ phu trong Nam ngoài Bắc khắp nơi nổi lên chống Pháp theo chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi. Nội dung lời phê trên Châu bản thể hiện quyền hành của Vua Đồng Khánh không vượt ra ngoài giới hạn của cung điện, chủ yếu về chi tiêu trong hoàng cung, thưởng phạt quan lại.

Ngự phê lối chữ “thảo” của Hoàng đế Thiệu Trị. Nguồn: TTLTQG I/Châu bản triều Nguyễn.

Thành Thái (1889 - 1907) là vị vua tiến bộ, yêu nước. Các hoàng tử, hoàng nữ con của ông đều phải học Pháp ngữ song song với Hán tự. Bản thân nhà vua cũng học tiếng Pháp để giao tiếp, ông còn cho mở trường Quốc học vào năm 1896 để đào tạo nhân tài có trình độ về văn minh phương Tây. Bút phê của ông trên Châu bản thể hiện sự quan tâm rất nhiều đến giáo dục, thi cử, nhất là việc học chữ Pháp.

Vua Duy Tân (1907-1916) phê duyệt trên châu bản triều Nguyễn chỉ tập trung các vấn đề liên quan đến việc điều phái quan lại, công việc trong hoàng tộc, như vậy có thể thấy được quyền lực của nhà vua đối với các lĩnh vực trong xã hội bị hạn chế. Tuy nhiên, bút phê của nhà Vua trên bản tấu về việc in sách "Thực lục" và việc thi cử là minh chứng khẳng định vị vua này đã rất quan tâm tới việc biên soạn chính sử và nền giáo dục nước nhà.

Vua Khải Định (1916 - 1925) là người thích cuộc sống xa hoa, chuộng sự yên ổn hưởng thụ. Trong thời gian Khải Định tại vị, mọi quyền hành đều do người Pháp nắm, ông chẳng có chút quyền hạn nào. Bởi vậy, nội dung châu phê của vua Khải Định trên châu bản chủ yếu về các vấn đề tổ chức tế lễ, diễn kịch, thăng bổ và thưởng phạt quan lại.

Bảo Đại (1926-1945), vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, được sang Pháp du học từ nhỏ. Bởi vậy, Hoàng đế Bảo Đại là vị Hoàng đế duy nhất của nhà Nguyễn có thể sử dụng ba loại chữ Việt, Pháp, Hán để phê duyệt tấu chương. Nội dung bút phê của vua Bảo Đại trên châu bản, chỉ là những việc có liên quan đến tế lễ, ban phát sắc bằng huy chương cho quan lại, còn mọi công việc cai trị khác do người Pháp quyết định. Ông đã không bảo vệ được di sản mà tổ tiên ông để lại, đã không xây dựng được một chế độ quân chủ lập hiến cho đất nước và thần dân của ông, không giữ được sự đoàn kết dân tộc.

Với trên 100 phiên bản châu phê, triển lãm "Thư pháp của các Hoàng đế nhà Nguyễn" giới thiệu đến công chúng, những người đam mê hội họa thư pháp thưởng thức những nét độc đáo, tinh hoa nhất từ bút tích của đích thân các Hoàng đế nhà Nguyễn trên Châu bản. Triển lãm hy vọng sẽ đem đến những góc nhìn mới về một loại hình văn bản hành chính nhưng cũng được coi như những tác phẩm nghệ thuật mang nét đẹp văn hóa của người xưa.