Chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội diễn ra ở nhiều địa phương

ANTD.VN - Để giải quyết tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Thủ tướng Chính phủ đề nghị rà soát, thống kê cụ thể số người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi trong các doanh nghiệp phá sản; triển khai các giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Cán bộ công đoàn tiếp nhận ủy quyền khởi kiện đòi quyền lợi về bảo hiểm xã hội

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận tại Hội nghị thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2019.

Đề cập đến những khó khăn, hạn chế, bất cập, báo cáo cho biết, hiện năng suất lao động còn thấp so với các nước trong khu vực. Đời sống của một bộ phận người lao động vẫn còn khó khăn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản, giải thể vẫn ở mức cao, khiến nhiều người lao động mất việc làm. Tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nợ đọng, chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở các doanh nghiệp vẫn diễn ra tại nhiều địa phương.

Trước những bất cập đang tồn tại, Thủ tướng chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo quyền lợi nói chung và quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 47/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội khóa XIV theo hướng ưu tiên giải quyết nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể, đảm bảo sự đồng bộ với Luật Phá sản doanh nghiệp và Bộ luật Lao động.

Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội; thực hiện khởi kiện doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng, gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị rà soát, thống kê cụ thể số người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi trong các doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh, có chủ nợ bỏ trốn để làm cơ sở cho việc nghiên cứu, đánh giá tác động một cách toàn diện, thận trọng (tránh tạo tiền lệ để các doanh nghiệp khác lợi dụng tiếp tục trốn đóng làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động).

Đối với khám chữa bệnh vào ngày lễ, ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính cho người bệnh có thẻ BHYT, Thủ tướng giao Bộ Y tế có kế hoạch cụ thể để thực hiện, bảo đảm đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám, chữa bệnh cho công nhân lao động, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị đánh giá, xác định và sớm công bố “mức sống tối thiểu” của người lao động và gia đình, tạo cơ sở cho các bên tham gia Hội đồng tiền lương quốc gia thương lượng, đàm phán mức lương tối thiểu vùng hàng năm.