Chiếm đoạt xe máy từ vé xe trong chiếc ví ăn trộm, phạm tội gì?

ANTD.VN - Hoàng Quốc Tuấn (SN 1985) đến khu vực sân vận động của xã để chơi. Tuấn vào quán nước trong sân vận động ngồi thì thấy một chiếc quần dài vắt trên ghế nhựa. Tuấn cũng thay đồ rồi để gần chiếc quần vắt ở ghế nhựa để vào sân chơi bóng đá. Khoảng 15 phút sau, Tuấn quay ra lấy chiếc quần vắt trên ghế nhựa của người khác mang vào nhà vệ sinh lục túi lấy một chiếc ví (trong đó có 1.500.000 đồng và một chiếc vé gửi xe máy và chìa khóa). Sau khi có vé gửi xe máy và chìa khóa, Tuấn nhanh chóng đến bãi gửi xe của sân vận động tìm chiếc xe có số ghi như trên vé, mở khóa điện và dắt xe ra cửa soát vé. Nhân viên bảo vệ trông giữ xe, kiểm tra thấy vé ghi đúng số xe nên cho Tuấn dắt xe ra khỏi bãi. Sau khi lấy được xe, Tuấn mang chiếc xe đi bán với giá 3 triệu đồng. Một tuần sau, Hoàng Quốc Tuấn lại đến sân vận động chơi thì bị phát hiện, bắt giữ. Vấn đề đặt ra là với hành vi trên Hoàng Quốc Tuấn đã phạm tội gì?

Chiếm đoạt xe máy từ vé xe trong chiếc ví ăn trộm, phạm tội gì? ảnh 1Hành vi của Hoàng Quốc Tuấn đã thỏa mãn dấu hiệu lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác trong cấu thành tội trộm cắp tài sản. Ảnh minh hoạ.

Ý kiến bạn đọc

Tội trộm cắp tài sản

Trong vụ việc này, Hoàng Quốc Tuấn đã phạm tội trộm cắp tài sản theo Điều 173, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo quy định của pháp luật, trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác; lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của chủ sở hữu, người quản lý tài sản, hoặc lợi dụng hoàn cảnh mà người quản lý tài sản không biết. Trong vụ việc này, Hoàng Quốc Tuấn đã lợi dụng việc chủ tài sản đang đá bóng, đã lén lút lấy chiếc quần dài sau đó mang vào nhà vệ sinh lục túi lấy ví và vé xe máy rồi sau đó lấy trộm chiếc xe máy của chủ sở hữu. Hành vi này theo tôi đã cấu thành tội trộm cắp tài sản và cần phải bị truy cứu trách nhiệm theo pháp luật.

Nguyễn Minh Quang (Đông Hà - Quảng Trị)

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số tiền mà Hoàng Quốc Tuấn lấy trộm trong ví của nạn nhân chưa đến 2 triệu đồng nên chưa thể xử lý hình sự về tội trộm cắp tài sản. Căn cứ vào nội dung vụ việc có thể thấy hành vi của Hoàng Quốc Tuấn đã phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể, khi gửi chiếc xe máy vào bãi xe thì chiếc xe lúc đó thuộc quyền quản lý của nhân viên bảo vệ trông giữ xe. Khi Tuấn lấy trộm vé gửi xe từ trong ví để đưa cho nhân viên nhằm đánh lừa bảo vệ mình là chủ sở hữu xe thì lúc này, hành vi của Tuấn đã là dùng thủ đoạn gian dối để đánh lừa người quản lý tài sản nhằm để chiếm đoạt tài sản. Hành vi này của Tuấn đã cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đinh Thị Minh (Đoan Hùng - Phú Thọ)

Phạm hai tội

Theo nội dung vụ việc thì Hoàng Quốc Tuấn đã phạm cùng một lúc hai tội là trộm cắp tài sản (Điều 173, Bộ luật Hình sự năm 2015) và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015). Theo quy định của pháp luật, phạm nhiều tội là chủ thể có nhiều hành vi phạm tội độc lập hoặc chỉ có một hành vi phạm tội và hành vi đã thực hiện đó thỏa mãn nhiều yếu tố cấu thành tội phạm khác nhau. Các hành vi của Tuấn trong vụ việc này bao gồm hành vi lén lút lấy chiếc quần vắt trên ghế mang vào nhà vệ sinh để lấy chiếc ví đã cấu thành tội trộm cắp tài sản. Còn hành vi dùng chiếc vé gửi xe mà Tuấn lấy được trong ví để chiếm đoạt chiếc xe máy của nạn nhân đã cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do vậy, Hoàng Quốc Tuấn phải chịu trách nhiệm cho cả 2 tội.

Nguyễn Ái Vân (Thanh Trì - Hà Nội)

Bình luận của luật sư

Qua nội dung vụ án cho thấy, Hoàng Quốc Tuấn đã thực hiện 2 hành vi trong cùng một chuỗi hành vi phạm tội theo quan hệ nhân quả diễn ra trong cùng một không gian xác định và nối tiếp nhau về mặt thời gian, cho nên ở đây cần có sự đánh giá chính xác về 2 hành vi này xem chúng có thỏa mãn các dấu hiệu trong các cấu thành tội phạm tương ứng hay không. Cụ thể, xem xét hành vi thứ nhất - Tuấn lợi dụng sơ hở của người khác lén lút chiếm đoạt được số tiền 1.500.000 đồng, vé gửi xe máy và chìa khóa xe.

Để lấy được tài sản, Tuấn đã thực hiện một cách kín đáo, che mắt những người xung quanh cũng như người chủ tài sản bằng hành vi đánh tráo chiếc quần vắt trên ghế nhựa của người khác. Hành vi này thỏa mãn dấu hiệu “lén lút” chiếm đoạt tài sản của người khác trong cấu thành tội trộm cắp tài sản (Điều 173, Bộ luật Hình sự năm 2015). Ngoài ra, dấu hiệu thứ hai trong cấu thành tội trộm cắp tài sản là dấu hiệu chiếm đoạt được thể hiện ở đây Tuấn đã dịch chuyển được tài sản trộm cắp ra khỏi sự kiểm soát của người chủ tài sản và đem nó (chiếc quần) vào nhà vệ sinh lục túi lấy tài sản, cho nên tội phạm được coi đã hoàn thành.

Đối với hành vi thứ hai - hành vi Tuấn dùng vé gửi xe và chìa khóa xe (cũng lấy được trong ví của người bị hại) vào bãi gửi xe của sân vận động đưa xe ra cổng soát vé rồi đưa xe máy đi tiêu thụ. Xem xét hành vi này cho thấy nó không thỏa mãn dấu hiệu của cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bởi lẽ, trở lại sự việc khi chủ xe gửi xe vào bãi xe sân vận động thì một hợp đồng gửi giữ đơn giản đã được xác lập, vé xe là bằng chứng cho sự giao kết hợp đồng giữa chủ xe và người giữ xe. Tuy nhiên, do đây là một hợp đồng gửi giữ đơn giản nên thực tế không xác định chính xác người phải thanh toán hợp đồng đó, có thể là chủ xe, có thể là người được chủ sở hữu giao xe...

Ví dụ: A. gửi xe của mình vào một bãi gửi xe nào đó rồi sau đó A. đưa vé cho B. nhờ lấy xe hộ. B. vào lấy xe thì khi đó hành vi trả vé, trả tiền và dắt xe của B. ra khỏi bãi gửi xe không thể coi là hành vi lừa đảo người giữ xe được. Bởi vì, mỗi ngày người giữ xe nhận giữ rất nhiều xe, làm sao họ có thể nhớ được hết người này là chủ chiếc xe này, người kia là chủ chiếc xe kia để có thể trả lại chiếc xe cho chính chủ sở hữu của nó.

Trong trường hợp đó, người trông giữ xe chỉ biết nhận lại vé, thu lệ phí gửi giữ, kiểm tra số ghi trên chiếc xe có đúng với số ghi trên vé và xem có đúng là loại vé do mình phát hành hay không. Đối chiếu với nội dung vụ án cho thấy hành vi thứ hai của Tuấn - hành vi dùng vé gửi xe và chìa khóa xe vào bãi gửi xe, đưa xe ra cổng soát vé rồi đưa xe đi tiêu thụ cũng thỏa mãn dấu hiệu lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác trong cấu thành tội trộm cắp tài sản.

Dấu hiệu lén lút ở đây cần được hiểu là hình thức không cho phép người chủ tài sản biết có hành vi chiếm đoạt khi hành vi này xảy ra, đồng thời người phạm tội có thể vẫn thể hiện sự công khai đối với những người khác xung quanh. Trong thời điểm Tuấn đưa xe máy ra cổng soát vé, người bị hại vẫn không hay biết mặc dù Tuấn vẫn công khai hành vi của mình với người bảo vệ có trách nhiệm soát vé.

Như vậy, trong 2 hành vi của Tuấn, nếu tách riêng vẫn đủ dấu hiệu và cơ sở độc lập để truy tố Hoàng Quốc Tuấn về tội trộm cắp tài sản. Ngoài ra, việc thực hiện một chuỗi hành vi phạm tội theo quan hệ nhân quả lại do cùng người tiến hành trong một thời điểm không gian và thời gian gần kề nhau, có quan hệ gắn kết chặt chẽ với nhau. Việc chiếm đoạt chiếc xe gắn máy chỉ diễn ra ngay sau khi Tuấn phát hiện thấy vé và chìa khóa trong ví người bị hại.

Như vậy, chính hành vi thứ nhất - hành vi đánh tráo quần của người khác, lục ví lấy tiền, thấy có vé xe và chìa khóa xe là tiền đề phát sinh hành vi thứ hai - dùng vé gửi xe và chìa khóa xe (cũng lấy được trong ví của người bị hại) vào bãi gửi xe của sân vận động đưa xe ra cổng soát vé rồi đưa xe máy đi tiêu thụ. Vì vậy, ở đây chúng ta không thể tách rời hành vi lấy ví và lấy xe để buộc Hoàng Quốc Tuấn về 2 tội độc lập.

Mặt khác, phân tích các dấu hiện trong cấu thành tội phạm của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015) cho thấy dấu hiệu đặc trưng của tội phạm này là người phạm tội có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản bằng cách người chủ tài sản tự nguyện trao tài sản.

Theo đó, gian dối cần được hiểu là hành vi tạo thông tin giả nhằm đánh lừa người khác, hoặc thực hiện các thủ đoạn khác nhằm mục đích tạo lòng tin của người bị hại đối với người phạm tội về sự việc, thông tin không đúng sự thật nhằm cho người khác tin là sự thật để chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn rất đa dạng và khác nhau, có thể bằng lời nói, cử chỉ, sử dụng giấy tờ giả…

Tuy nhiên, ở đây Tuấn dùng vé xe lấy được trong ví của người bị hại, vé lại do bãi gửi xe phát hành để đưa xe ra cổng soát vé, được nhân viên bảo vệ kiểm tra rồi mới đưa xe ra ngoài tiêu thụ là hoàn toàn công khai đối với bảo vệ và những người khác, Tuấn không hề có bất kỳ hành vi hay thủ đoạn gian dối nào. Hành vi này không thỏa mãn dấu hiệu hành vi gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên theo chúng tôi không đủ cơ sở truy tố Tuấn theo tội danh đó.

Chỉ trong trường hợp Tuấn dùng các thủ đoạn gian dối như làm vé giả để đánh lừa nhân viên bảo vệ, thay đổi xe, ghi lại số phiếu trên yên xe, đánh tráo biển số… nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì khi đó, Tuấn mới phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tội phạm là thể thống nhất giữa mặt khách quan và mặt chủ quan. Không thể có hành vi trong mặt khách quan lại tồn tại độc lập với suy nghĩ, mong muốn trong mặt chủ quan của chủ thể thực hiện hành vi phạm tội. Ở đây, hành vi khách quan là hành vi trộm cắp tài sản, hoàn toàn thống nhất với ý định trộm cắp tài sản.

Khi thực hiện hành vi phạm tội, Tuấn không hề nghĩ đến việc lừa đảo. Mục đích phạm tội của Tuấn là chiếm đoạt tiền và xe mà người chủ tài sản không hay biết. Như vậy, ngay từ trong ý nghĩ Tuấn đã không có ý định lừa đảo, kể cả đối với người giữ xe. Ý thức chủ quan của Tuấn là nhằm che giấu tính chất phi pháp của hành vi chứ không che giấu hành vi thực tế. Biểu hiện ở đây Tuấn đã cố ý lén lút với chủ tài sản nhưng vẫn công khai với những người khác (ở đây là người giữ xe và những người khác) nhằm chiếm đoạt tài sản. Như vậy, theo chúng tôi trong vụ việc này, Hoàng Quốc Tuấn chỉ phạm tội trộm cắp tài sản.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)