Chiếc xe đạp

ANTĐ - Tôi sinh ra ở Hà Nội. Chiếc xe đạp đầu tiên trong đời tôi được thấy là chiếc Merce, xe đua của cha tôi. Ông đã tốt nghiệp trường Cao đẳng mỹ thuật Đông dương. Lúc này ông đã bán được tranh, ông nói giá trị chiếc xe bằng hai tạ gạo lúc bấy giờ, và ngoài nghệ thuật, ông còn có hai cái thú là đua xe đạp và quyền anh. Chiếc xe nhẹ bỗng, tôi thấy ông nhấc lên chỉ bằng một ngón tay. Trông nó như một con ngựa chiến, bánh nhỏ tý, nghe nói không phải bơm, líp ba tầng, lúc quay nghe lách tách như pháo nổ.

Kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Cả nhà tản cư vào Thanh Hóa. Lần thứ hai trong đời tôi thấy xe đạp. Chiếc xe này khác hẳn xe trước. Bánh to đùng, bằng sáu bánh xe trước, tay lái buộc một gậy tre, giữa khung xe buộc túi quần áo,chỗ đèo hàng phía sau hai bên có hai cái sọt tre thồ lương thực, súng đạn, có một cái càng chống thật to, cũng bằng tre… (nó chính là chiếc xe thồ của dân công vận tải vũ khí lương thực ra mặt trận đánh giặc Pháp). Nom nó lầm lũi như một con trâu vừa đi cày về.

Chiếc xe thứ ba tôi thấy là chiếc Điamăng, anh cả tôi du học ở Đức mang về. Tất cả đều thẳng băng như người Đức, ghi đông ngang… thỉnh thoảng tôi mượn được một lúc đèo bạn gái đi chơi. Oách!

Hà Nội ngày đó cũng không nhiều xe đạp lắm đâu. Ngoài những xe cũ thời Pháp để lại còn thì rặt xe Thống Nhất… Gớm ngày đó mà được phân phối (phải xếp hàng rất lâu) một cái xe Thống Nhất thì giống như trúng xổ số… cái xe ô tô bây giờ.  Đa phần là Phượng Hoàng hoặc Vĩnh Cửu… Còn nếu nhà nào mua xe Praha hay Pơgiô thì coi chừng… không buôn lậu thì cũng nhận viện trợ từ phe địch… Đạp xe mà cả phố nhìn theo, phát ngượng!

Rồi tôi cũng có chiếc xe đạp riêng, nó tên là Molion, tên chữ Nôm là Cởi truồng (nó do cha tôi bàn giao cho tôi sau khi ông tháo hết máy móc chiếc Môbilét của ông. Biến nó thành một chiếc xe đạp khổng lồ dùng cho riêng mình). Còn cái xe của tôi tên Cởi truồng vì ngoài ghiđông, bộ xích và hai bánh ra, nó không còn gì khác… lúc cần phanh gấp tôi chỉ việc đạp chân vào bánh trước là xong! Ngoài việc thồ hàng tiếp tế lên nơi sơ tán cho gia đình nó còn đưa tôi đi khắp miền đất nước mà chiến công hiển hách nhất là cùng các anh chị trong lớp đạp vào Vĩnh Linh 600km dưới bom đạn Mỹ để thực tập.

Chiếc xe đạp còn ghi đậm dấu ấn trong lòng người Hà Nội trong những buổi sớm tinh sương trong gió mùa Đông Bắc cô gái trẻ ngồi sau xe, tóc tết đuôi sam ôm chiếc balô trong lòng, cầm lái là chàng trai trẻ trong bộ quân phục mới tinh đèo người yêu đến nơi nhập ngũ. Hoặc những nữ tự vệ đội mũ sao vuông khoác súng trường K44 đeo túi cứu thương đạp xe qua cầu Long Biên trong 12 ngày đêm đối mặt với B52… Giải phóng miền Nam! Ôi! Hàng trăm loại xe đạp xuất hiện, đủ các nhãn mác… Hình ảnh anh bộ đội miền Bắc trở về quê nhà với chiếc khung xe đạp trên vai và con búp bê trong tay làm sao quên được?

Chiếc xe đạp đã gắn bó với  tâm hồn người Việt và với riêng tôi như thế đấy! Tưởng như dấu ấn tốt đep mãi không bao giờ phai…

Đi xe đạp vác đồ nghênh ngang trên phố...

Nhưng… 30 năm sau… Rồi 40 năm sau... Xe đạp biến mất. Bây giờ ra đường rặt ôtô và xe máy… Tai nạn giao thông xảy ra như cơm bữa. Mỗi ngày hàng trăm người chết… Chung quy chỉ là coi thường Luật Giao thông. Đánh giặc ngoại xâm thì giỏi thế sao học Luật Giao thông lại tối dạ thế? Thấy đèn đỏ cứ đi ào ào. Kệ… Đèo hàng nặng hàng tạ cồng kềnh hơn một mét sẵn sàng lao vào người khác! Kệ…

Khủng khiếp nhất vẫn là ÔNG xe đạp. Tôi phải gọi bằng ÔNG là vì ngay bây giờ, ngay lúc này đây, khi mà xe máy, ôtô thấy đèn đỏ đã biết dừng thì xe đạp cứ tự do vận hành vượt đèn đỏ ngay trước mũi cảnh sát giao thông. Tôi để ý thấy phần nhiều là mấy cô nhà quê đèo thúng hàng rong, mấy bà ngoại tỉnh nhập khẩu theo con đạp xe đi thể dục sáng chiều.  Họ cố ý vi phạm luật giao thông hay thực sự họ tưởng họ đi xe thô sơ nên được phép vượt đèn đỏ? Hình như trong suy nghĩ của họ đèn đỏ thì xe đạp được phép đi.