Chiếc xe đạp đặc chủng của cụ ông không bao giờ cắt tóc

ANTĐ - Thân hình rắn rỏi, ánh mắt tinh anh, đôi chân săn chắc, nhanh nhẹn, nước da hồng hào, mái tóc dài bồng bềnh lãng tử buộc túm đuôi ngựa thỉnh thoảng lão đưa tay vuốt ngược về sau. Nếu lần đầu gặp lão, nhiều người hẳn sẽ nghĩ rằng lão là một thanh niên ưa lối sống Hippy từ giữa thập niên 60, 70 của thế kỷ trước còn sót lại, chứ không phải lại một ông lão đã bước sang tuổi 75...

Chiếc xe đạp đặc chủng của cụ ông không bao giờ cắt tóc ảnh 1

Ông lão... mê đạp xe

Với nhiều người ở trong và ngoài xã Hương Mạc (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) lâu nay đã quá quen thuộc với hình ảnh ông lão Đàm Thế Xuân (75 tuổi) ngày ngày thích đạp xe một mình để… rèn luyện thân thể và thỏa thú vui được rong ruổi trên những tuyến đường.

Nhiều người khi nhìn lão cứ nghĩ rằng gia cảnh lão khó khăn nhưng không phải, với 9 người con, người nào cũng thành đạt nên điều kiện để lão sắm những con "xế nổ" là chuyện bình thường nhưng lão nào có thích lượn lờ bằng mô tô, xe máy mà chỉ thích vận động bằng xe đạp đi khắp nơi.

Lão bảo, lão rất sợ ngồi một chỗ, sợ sự nhàm chán và lười vận động nên lão chọn thú vui đạp xe như là một điều tất yếu của cuộc sống. Ngày nào không được đạp xe là chân tay lão lại cảm thấy khó chịu, đứng ngồi không yên. Với lão, tuổi già mà được ngày ngày rong ruổi trên chiếc xe để chiêm nghiệm sự đời, nhìn người thì chả có gì thú vị hơn.

Từ trang phục, cách nói chuyện đến những việc làm của lão đều chẳng giống ai nên nhiều người gọi lão là gàn dở, là quái dị. Mà quả thật, nếu không phải gàn dở, phải quái dị thì sao ngày nắng cũng như ngày mưa, lão đặt ra chỉ tiêu phải đạp xe đạp 50-60 km mới... đạt tiêu chuẩn. Đó là chưa kể những ngày cuối tuần, lão dành thời gian và công sức đạp xe như vận động viên xe đạp đường trường khi tự “đua” lên Thái Nguyên trên tổng quãng đường cả đi lẫn về gần 100km.

Gặp lão, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi lão đang chuẩn bị lên đường "đi đua". Nói là "đi đua" bởi nhìn lão trông như một vận động viên đua xe chuyên nghiệp khi ăn vận đầy đủ quần áo, giầy thể thao, mũ bảo hiểm, tất dài đến gồi. Hỏi lão hàng ngày đạp xe đi đâu, lão cười khì khì bảo: "Các ngày khác tôi thường đạp xe lên thành phố Bắc Ninh khoảng gần 30 km và các huyện lân cận trong tỉnh, tối mới về. Ngoài ra, tôi tham gia hội xe đạp người cao tuổi của tỉnh và thị xã nên cũng thường xuyên có những chuyến đi du lịch bằng xe đạp". 

Trên chiếc xe đạp mà hàng ngày ông dùng để "đi đua" được trang bị từ đầy đủ cho một cuộc hành trình đường dài: một chai nước uống  khi khát, túi đựng đồ ăn mang theo, áp  mưa mặc khi trời mưa, một bộ đồ nghề bao gồm những vật dụng dùng để sửa chữa, thay vá săm lốp nhằm đề phòng chiếc xe đạp “dở chứng” giữa đường. Hỏi lão tuổi cao thế sao không ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe, đạp xe xa thế không thấy mệt à, lão vừa nói vừa vỗ vỗ tay vào bắp chân rắn đanh của mình bảo: “Mệt gì, ở tuổi như tao đố mấy người được chân tay rắn chắc thế này. Nếu không ngày nào cũng rèn luyện thì sao được như thế".  

Kể về sở thích đạp xe đạp rong ruổi đi chơi, lão Đàm Thế Xuân kể lão quen đạp xe từ hồi còn trẻ, dù bây giờ có tuổi rồi nhưng mỗi ngày đạp xe vài chục cây số vẫn chưa thấy mệt mỏi gì cả. Lão bảo có người thấy mình ở cái tuổi gần đất xa trời mà vẫn làm những việc không giống ai nên cho rằng lão hâm, lão gàn dở nhưng lão bỏ ngoài tai tất bởi lão tâm niệm phải tự biết chăm sóc, rèn luyện bản thân không phụ thuộc vào người khác được. Đạp xe hay chơi thể thao là cách rèn luyện cho bản thân có sức khỏe tốt nhất.

Bên cạnh đó, mỗi người có một đam mê, sở thích riêng nên không thể áp đặt quan điểm và bắt người khác phải tuân theo mình được. Thấy chúng tôi hỏi về lão, bà Vũ Thị Mai nhà gần ông Đàm Thế Xuân liến thoắng khoe: "Lão Xuân là số một ở cái xã này. Già rồi mà vẫn đá bóng, đạp xe khỏe hơn cả thanh niên. Bằng tuổi lão, đố có người nào có sức khoẻ như lão".

Những ngày đầu lão “kết duyên” với cái thú vui khác người ấy, vợ và các con lão ra sức can ngăn, nặng nhẹ, ngọt nhạt để lão từ bỏ ý nghĩ đó. Lão bực mình nằm lỳ một chỗ, không ăn không uống để... phản đối. Cuối cùng, vợ con lão đành phải “xuống nước”, không ngăn cản thú vui của lão nữa. 

Tâm sự về những thú vui “khác người” của chồng mình, bà Trương Thị Bốn, vợ “dị nhân” Đàm Thế Xuân cho biết: “Tính tình ông Xuân nhà tôi lúc nào cũng thế, suốt ngày mê thể dục, thể thao. Trước đây tôi và các con có hỏi thì ông ấy bảo rèn luyện sức khỏe chứ có làm gì đâu mà lo. Cũng may mà thú vui, sở thích của ông ấy không gây ảnh hưởng tác hại đến ai và xã hội, đổi lại ông ấy có sức khỏe nên gia đình cũng mừng.

Và chiếc xe đặc chủng

Lão bảo để đeo đuổi thú vui đạp xe mỗi ngày, ngoài sức khỏe tốt thì việc có được một chiếc xe đạp ưng ý, tiện dụng cho mỗi “cuộc đua” thì không phải dễ. Lúc nào lão cũng thiết kế cho mình 2 chiếc xe đạp chuyên dụng riêng, một chiếc dùng để đi lại trong làng ngoài xã và một chiếc chuyên dùng để đi đường trường.

Thấy chúng tôi tò mò về chiếc xe đạp đường trường trông khá đặc biệt, lão hào hứng khoe về chiếc “thiên hạ đệ nhất xe” của mình. Lão bảo chiếc xe được thiết kế một đèn pha sáng, đèn xi-nhan trước và sau được “chế” từ xe máy Win. Hệ thống còi báo trên xe được lão “trang bị” tới tận... 9 chiếc.

Do phải chạy cả đèn, cả còi nhiều như thế nên chiếc xe đạp của lão phải lắp thêm 2 chiếc ắc - quy mới đủ điện để dùng. Phía đầu xe, lão trang bị một vài ống nhựa dùng để cắm một lá cờ Tổ quốc  và một lá cờ thể thao có các vòng tròn biểu tượng cho tinh thần thể thao Olympic. 

Chiếc xe đạp đặc chủng của cụ ông không bao giờ cắt tóc ảnh 2

Chiếc xe đạp độc nhất vô nhị được ông Xuân thiết kế rất đặc biệt để thuận tiện cho thú vui của mình

Kể về hệ thống còi, đèn đặc biệt mà mình trang bị cho chiếc xe, lão Xuân bảo phải lặn lội đạp xe ra tận chợ Trời (phố Huế, Hà Nội) để lùng mua. Sau khi mua về xong lại phải tính toán, thiết kế sao cho phù hợp với chiếc xe. Khi hệ thống còi, đèn trên chiếc xe của lão lắp xong thì ai nhìn thấy cũng phải “choáng” vì sự cầu kỳ, tỉ mỉ như thế.

Lão Đàm Thế Xuân bảo người Việt Nam đi xe ẩu lắm, đặc biệt là thanh thiếu niên có thói quen hay uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông nên khả năng va chạm dẫn đến tai nạn là rất lớn. Chính vì thế nên lão mới phải kỳ công lắp còi, đèn cho xe kỹ đến vậy, cứ đến ngã ba ngã tư, lão chỉ cần ấn nút còi hú lên, thế là tất cả các phương tiện đều đi chậm lại và dạt sát vào lề để... nhường đường. 

Không chỉ có sở thích đi xe đạp, lão Đàm Thế Xuân còn có sở thích đi bộ chân đất mỗi ngày ít nhất phải 5-7km và đam mê đá bóng. Lão bảo, đã đi bộ phải đi bằng chân đất mới tốt, vừa khỏe lại vừa dẻo dai vì dưới lòng bàn chân có rất nhiều huyệt, đi bộ bằng chân đất có tác dụng như châm cứu, rất tốt cho sức khỏe. 

Ngoài ra, hôm nào không đi bộ thì lão đi... đá bóng cùng đám thanh niên trong làng. Lão bảo biết đá bóng từ hồi 14-15 tuổi, bây giờ tuy già rồi thỉnh thoảng mới đá nhưng kỹ thuật vẫn tốt lắm, đám thanh niên “còn tướt” mới theo kịp.

Không chỉ có những sở thích “lập dị” kể trên, mỗi khi nhắc đến lão Xuân thì nhiều người liên tưởng ngay tới mái tóc dài bồng bềnh gần 20 năm nay chưa hề cắt của lão. Lão bảo lần nào cắt tóc là lão lại mệt mỏi và ốm, kể từ đó lão không bao giờ cắt tóc nữa.

Việc để tóc dài, vừa giúp lão khỏe mạnh, không tốn tiền cắt tóc lại giúp lão có một nét gì đó rất riêng biệt. Chả thế mà nhiều người mới gặp lão lần đầu còn nhầm tưởng lão là một nghệ sĩ bởi mái tóc dài lãng tử đã bạc trắng như cước với tâm hồn bay bổng.