“Chiếc bóng lớn” phủ lên Hội nghị An ninh Munich

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mặc dù không tham dự, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn là nhân vật nổi bật tại Hội nghị An ninh Munich năm nay. Vì thế, giới quan sát cho rằng, hội nghị diễn ra từ ngày 14 đến 16-2 đóng vai trò chỉ báo về mức độ tốt đẹp của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Hội nghị An ninh Munich có từ năm 1963, đến nay đã duy trì hơn 60 năm

Hội nghị An ninh Munich có từ năm 1963, đến nay đã duy trì hơn 60 năm

Mối quan hệ chặt chẽ theo truyền thống giữa Mỹ và châu Âu đã định hình Hội nghị An ninh Munich (MSC) trong nhiều thập kỷ. Bất chấp một số khác biệt, cơ chế này luôn có một nền tảng vững chắc bởi các bên phối hợp tốt và tôn trọng lẫn nhau. Nhưng có một luồng gió khác đang thổi tới khi ông Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của mình. “Nước Mỹ trên hết” là câu thần chú không lay chuyển ngay cả khi nó gây tổn hại đến các đồng minh của ông.

Những căng thẳng này có thể định hình một số cuộc tranh luận tại phòng hội nghị của Bayerischer Hof (một khách sạn danh tiếng tại Munich (Đức), nơi có sự tham dự của các chính trị gia, nhà lãnh đạo quân sự và các chuyên gia). 60 nguyên thủ quốc gia và chính phủ dự kiến sẽ tham dự MSC, được coi là diễn đàn quan trọng nhất thế giới về chính sách an ninh.

Về phía chính quyền mới của Mỹ, Phó Tổng thống JD Vance và Ngoại trưởng Marco Rubio đã xác nhận việc tham dự, nhưng thiếu vắng tân Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth. Ngoài ra, Chủ tịch MSC Christoph Heusgen đã thông báo, một phái đoàn từ Quốc hội Mỹ lớn nhất từ trước đến nay sẽ tham dự. Trong số các khách mời cũng có tân Tổng thư ký NATO Mark Rutte.

MSC là hội nghị không chính thức và không có quyết định nào được đưa ra. Đó là lý do tại sao sự kiện này khuyến khích trao đổi quan điểm một cách cởi mở và các xung đột không bị che giấu. Và Tổng thống Donald Trump đã thiết lập một giọng điệu mới, sắc sảo hơn trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương. “Chúng ta đang bị các quốc gia EU lừa đảo cả về thương mại lẫn NATO. Nếu các bạn không trả tiền, chúng tôi sẽ không bảo vệ các bạn” - lời của ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử được công bố trong “Báo cáo an ninh Munich” được phát hành trong hội nghị.

Theo Tổng thống Mỹ, việc các quốc gia NATO không đầu tư đủ vào chi tiêu quốc phòng là một cái gai trong mắt ông. Trước đây, Mỹ đã trả phần lớn chi phí của NATO và cung cấp cho châu Âu sự bảo vệ quân sự đáng tin cậy. Ông Donald Trump hiện muốn điều này đi kèm với các điều kiện và yêu cầu đồng minh chi 5% GDP cho quốc phòng. Còn theo “Báo cáo An ninh Munich”, chính quyền của ông Donald Trump cũng giải thích về việc cắt giảm mạnh các khoản tiền tài trợ cho các tổ chức quốc tế là vì ngay cả một cường quốc toàn cầu như Mỹ cũng chỉ có nguồn lực hạn chế và phải sử dụng chúng vì lợi ích của chính quốc gia mình. “Thật vậy, khái niệm “thiếu hụt tài nguyên” đã trở thành tiền đề trung tâm trong tư duy chính sách đối ngoại của Đảng Cộng hòa Mỹ” - báo cáo nêu rõ.

Sự bất an và phẫn nộ đã bùng phát ở châu Âu sau lời đe dọa của ông Donald Trump về việc sáp nhập các vùng lãnh thổ bằng vũ lực nếu cần thiết, bao gồm cả Greenland (một phần của Đan Mạch). Đáp lại lời đe dọa này, châu Âu cảnh báo Mỹ phải tuân thủ luật pháp quốc tế. “Sự toàn vẹn của biên giới là nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Nguyên tắc này phải áp dụng cho tất cả mọi người” - Thủ tướng Đức Olaf Scholz bình luận. Cũng không phải vô cớ mà Chủ tịch hội nghị Heusgen đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế trước hội nghị: “Theo quan điểm của tôi, không có giải pháp thay thế nào tốt hơn cho trật tự được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc”.

Trong bối cảnh quan hệ xuyên Đại Tây Dương có rạn nứt, câu hỏi được đặt ra không phải là liệu Đức và châu Âu có thể làm nhiều hơn nữa cho an ninh của chính họ hay không, mà là làm điều đó như thế nào. Chủ đề này có thể sẽ được thảo luận tại Hội nghị An ninh Munich với tính cấp bách hơn bao giờ hết.