“Chiếc áo”... pháp lý

ANTĐ - Lần đầu tiên, trong Dự thảo Sửa đối Hiến pháp 1992, cụm từ “chính quyền địa phương” được đề cập. Hiện nay, những bất cập trong sự phân cấp giữa chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương có thể dẫn đến những mâu thuẫn, chồng chéo về trách nhiệm và lợi ích. Trong những ý kiến đóng góp Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp, có những quan điểm khác nhau. Có cần tách bạch rạch ròi về ngân sách của chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương hay không? Trung ương giao cho địa phương những quyền hạn gì, nếu có những chính sách ban hành của chính quyền địa phương thì có bị coi là “vượt rào” hay không?

Thực tiễn gần 30 năm đổi mới cho thấy, một nguồn lực cho những  sáng tạo, cải cách trên thực tế thường xuất hiện từ địa phương. Sau đó được chính quyền Trung ương nghiên cứu, tổng kết, đánh giá và nhân trên phạm vi cả nước. Mấy năm gần đây, một số tỉnh, thành phố đã “tự ý” ban hành những quy định, chính sách, cơ chế riêng về đất đai, nhập cư, vượt khung về ưu đãi, khuyến khích đầu tư hoặc không tuyển người có bằng đại học tại chức vào cơ quan Nhà nước.

Không ít những sáng tạo như vậy bị “tuýt còi” vì vượt những quy định chung trong khi địa phương chỉ được phân cấp về quản lý. Có ý kiến cho rằng, hiện tượng “xé rào”, thậm chí “phá rào”  ở một số địa phương trong cải cách thể chế, phần nào thể hiện tính năng động, sáng tạo và nhu cầu thực tiễn. Điều đó, cũng có nghĩa là, “chiếc áo pháp lý” khoác cho các tỉnh đã trở nên chật căng, tất nhiên không thể mỗi địa phương mặc một chiếc áo riêng không theo khuôn khổ, chuẩn mực quốc gia. Song cũng không nên chỉ có một cỡ áo cho tất cả 63 tỉnh, thành.

Theo một giáo sư Đại học Kinh tế, với một nền kinh tế đa lợi ích trong đó có tỉnh giàu, tỉnh nghèo, có tiềm năng khác nhau, cạnh tranh với nhau nên phải có luật đảm bảo sự bình đẳng giữa các tỉnh với nhau và cả giữa tỉnh với Trung ương. Vì vậy, trong lần sửa đối Hiến pháp này, cần phân quyền, trao quyền lập quy một cách rõ ràng cho chính quyền địa phương. Nhưng phân quyền như thế nào để chính quyền địa phương không tự tiện “may áo” dẫn đến lạm quyền? Tại cuộc hội thảo chuyên đề về chính quyền địa phương nhằm góp ý Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp, Tiến sỹ Khoa luật Kinh tế đã đề xuất xây dựng mô hình chính quyền cấp vùng theo địa phần để tháo gỡ những bất cập trong mô hình chính quyền địa phương tỉnh, thành hiện nay. Theo đó, chính quyền cấp vùng chỉ có hội đồng nhân dân đảm nhận việc giúp Quốc hội xây dựng pháp luật và giám sát việc thực thi pháp luật của chính quyền các tỉnh trong vùng. 

Xây dựng mô hình nằm ở giữa Trung ương và địa phương, chính là chính quyền cấp vùng. Vì gần gũi với các tỉnh, thành nên hội đồng nhân dân cấp vùng sẽ xây dựng luật sát với thực tiễn. Đặc biệt, hội đồng này sẽ giám sát UBND các tỉnh trong vùng hiệu quả hơn vì không chịu sự chi phối của UBND một tỉnh nào trong vùng. Đây có lẽ là “chiếc áo” pháp lý hợp lý nhất.