![]() |
Hội thảo “Chia sẻ phương pháp đánh giá nguy cơ và rủi ro sạt lở đất” |
Năm 2024, sạt lở đất, lũ quét đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại nhiều địa phương khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam.
Vì vậy, việc đánh giá chính xác nguy cơ và rủi ro sạt lở đất là một yêu cầu quan trọng để đưa ra các biện pháp phòng ngừa phù hợp, ứng phó kịp thời, nhằm giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ cuộc sống của người dân.
Do vậy tại hội thảo, các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản đã chia sẻ kết quả nghiên cứu, khảo sát thực địa và các phương pháp đánh giá hiện đại nhằm nhận diện nguy cơ, rủi ro sạt lở đất. Hội thảo đồng thời tạo cơ hội để các nhà quản lý, nhà khoa học cùng thảo luận, đề xuất giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.
Hội thảo có sự tham gia của hơn 30 đại biểu là cán bộ kỹ thuật, nhà nghiên cứu và chuyên gia đến từ các đơn vị trong và ngoài nước. Các nội dung trình bày đa dạng, tập trung vào kết quả nghiên cứu mới và các mô hình cảnh báo sớm đang được thử nghiệm như: hệ thống cảnh báo trượt lở đất dạng dòng bùn đá thời gian thực tại Sa Pa (do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản trình bày), nghiên cứu khối trượt lớn tại thôn Làng Nủ (Viện Các khoa học Trái đất), khảo sát thực địa tại TP. Yên Bái (chuyên gia Nhật Bản), bản đồ nguy cơ trượt lở ở Hà Giang, và sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro do JICA biên soạn.
Đại diện các bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp khoa học – công nghệ với kinh nghiệm bản địa, hướng đến phát triển các công cụ đánh giá và cảnh báo phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội của từng vùng.
Phiên thảo luận tại Hội thảo ghi nhận nhiều ý tưởng và giải pháp hiệu quả trong việc đánh giá nguy cơ, rủi ro sạt lở đất, mở ra cơ hội hợp tác và phát triển các giải pháp phù hợp với thực tiễn để có thể áp dụng ngay tại các khu vực miền núi của Việt Nam.
Hội thảo do Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phối hợp với Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam tổ chức.