“Chia sẻ” cái vỉa hè

ANTĐ - Cứ ngỡ tưởng chỉ có thành phố ở ta mới diễn ra cái cảnh chật chội, bức bí giành giật từng vuông gạch trên vỉa hè để kiếm ăn. Thế nhưng vừa mới đây, ở trung tâm Thủ đô Jakarta bên Indonesia, nhiều nhóm người đã tập trung giương khẩu hiệu “Hãy trả vỉa hè cho người đi bộ”.

- Cái câu ấy ta giương lên, đã nói mỏi mồm từ chục năm nay rồi, có ăn thua gì đâu.

- Ở bên họ là vì chính quyền đã “bật đèn xanh” cho phép người nghèo mở các sạp hàng buôn bán nhộn nhạo “nuốt chửng” nhiều vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường.

- Ở bên ta có khác gì đâu. Chỗ thì đèn xanh, chỗ thì đèn đỏ, nhấp nháy loạn xạ. Năm nào chả ra quân, ra văn bản, chỉ thị mà vỉa hè, lòng đường vẫn cứ như cái ao bèo, dẹp nơi này lại dạt sang nơi kia.

- Buôn bán vỉa hè, “kinh tế vỉa hè” là... đặc sản của các thành phố châu Á, khó dẹp bỏ lắm. Cái vỉa hè có khác gì manh chiếu giữa đình cũng chia chác, giành giật, nuôi sống hàng vạn con người. Không bám chặt vỉa hè thì khối người... nhăn răng.

- Thế nên chính quyền không thể “cầm chổi” hành chính quét sạch vỉa hè như bên Tây được. Cần phải quét từ từ, có lộ trình từng bước.

- Trong khi Hà Nội, TP.HCM đang “đau đầu, nhức mắt” vì cái vỉa hè, thì ở TP Đà Nẵng giới trẻ đã có sáng kiến sử dụng vỉa hè để biểu diễn nghệ thuật đường phố như hiphop, breakdance, beatbox cũng như các trò chơi dân gian, cờ vua, cờ tướng. Cái đó gọi là “chia sẻ không gian vỉa hè”.

- Chia sẻ không gian đã khó, chia sẻ quyền lợi vỉa hè lại càng khó, chỉ có dăm mét vuông mà khó chia hơn cả ngày xưa mổ lợn chia phần giữa sân đình.

- Không hiểu vì sao người ta không chọn phương án “đấu giá vỉa hè” như kiểu đấu giá đất, đấu giá nhà, tài sản... nhỉ?

- Vỉa hè là của người đi bộ, là của chung, của ông, của tôi và của cả du khách nước ngoài. Đấu giá thế nào được. 

- Có lý thật! Hèn chi, Tây rất thích đi bộ sang ta chỉ còn cách cuốc bộ xuống lòng đường. Ta muốn đi bộ trên vỉa hè thì... sang Tây mà đi thoải mái.