“Chìa khóa” mở ra nội lực

ANTĐ - Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát được xếp thứ nhất trong mục tiêu của năm 2014. Trong 6 tháng đầu năm, mục tiêu này đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Rõ nhất là mất cân đối cung-cầu đã được thu hẹp đáng kể. Trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, nếu 6 tháng đầu năm 2013, Việt Nam ở vị thế nhập siêu, thì nửa đầu năm nay đã chuyển sang vị thế xuất siêu với 1,3 tỷ USD. Diễn biến xuất nhập khẩu là tín hiệu khả quan để cả năm 2014 sẽ tăng cao hơn chỉ tiêu kế hoạch, không những không nhập siêu mà còn xuất siêu. Từ 6 tháng đầu năm có thể thấy tới nửa cuối năm ra sao?

Việc kiềm chế lạm phát được coi là thành công khi tốc độ tăng CPI thuộc loại thấp so với cùng kỳ các năm trước. CPI tháng 6-2014 so với cùng kỳ năm trước mới tăng 4,98% là tín hiệu khả quan để cả năm không những vượt chỉ tiêu (tăng 7%) mà có thể thấp nhất từ năm 2004 đến nay. Tăng trưởng kinh tế có xu thế cao lên so với các năm trước, thể hiện trạng thái “thoát đáy” năm 2012, tiếp tục xu hướng “vượt dốc” đi lên năm 2013-2014, để có thể phục hồi tốc độ tăng cao hơn 6-6,2%.

Theo nhận định của các chuyên gia, tăng trưởng cao hơn cùng kỳ càng có ý nghĩa khi đạt được trong điều kiện lạm phát thấp hơn. Đây có thể được coi là thành công kép. Tuy nhiên, theo báo cáo “Kinh tế vĩ mô 2014-Cải cách thể chế-Chìa khóa cho tái cơ cấu” của Ủy ban Kinh tế Quốc hội mới công bố, những điểm nghẽn về thể chế nếu được giải tỏa sẽ là khìa khóa mở ra điều kiện thuận lợi phân bổ và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Cân đối ngân sách tuy không còn căng thẳng như những năm trước, song lại đứng trước một loạt nhu cầu chi tăng cao.

Trước hết là chi đầu tư để ngăn chặn sự sụt giảm của tổng cầu; chi để thực hiện 3 mũi đột phá chiến lược trong tái cơ cấu kinh tế. Đặc biệt là chi ngoài dự toán để thực hiện chiến lược kinh tế biển, trong đó tăng cường đầu tư, cải thiện trang thiết bị cho lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư, nhất là đóng mới tàu cá vỏ sắt cho ngư dân để đủ sức vươn khơi hiệu quả, đồng thời có thể đương đầu với lực lượng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Cho dù 6 tháng đầu năm đã vượt qua khá thuận lợi, nửa cuối năm mới thực sự là chặng đường nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhất là khi diễn biến căng thẳng ở Biển Đông đã tác động đến tốc độ tăng trưởng đầu tư, thương mại, du lịch quốc tế…

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 5,8%, thì 6 tháng cuối năm GDP phải tăng 6,27%. Đây là một nhiệm vụ không dễ dàng trong khi nhiều điểm nghẽn thể chế chưa được tháo gỡ, chưa tìm thấy “chìa khóa” mở ra nội lực của nền kinh tế.