Chìa khóa của phát triển

ANTĐ - Châu Á - Thái Bình Dương vốn đang phải đối mặt với nhiều thách thức lại gặp phải trở ngại lớn trong phát triển do tỷ lệ mù chữ cao đến mức báo động.

Lớp học xóa mù chữ ở Philippines

Hôm 19-4, Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương Gwang-Jo Kim cho biết hơn 65% số người trưởng thành mù chữ trên toàn cầu hiện sống ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thừa nhận những thành tựu đáng tự hào của khu vực trong sáng kiến “Giáo dục cho tất cả”, ông Gwang-Jo Kim vẫn phải cảnh báo rằng châu Á - Thái Bình Dương còn tới 500 triệu người mù chữ, trong đó khu vực Nam Á và Tây Á có hơn 400 triệu người, chiếm 50% số người lớn mù chữ toàn cầu. 

Theo ông Gwang-Jo Kim, trong thập kỷ qua, thế giới đã giảm được 39 triệu trẻ em không được đến trường, 40% trong số đó sống ở châu Á - Thái Bình Dương. Khu vực này cũng đạt được tiến bộ lớn trong chương trình phổ cập giáo dục tiểu học nhưng vẫn đối mặt với thách thức lớn về chất lượng giáo dục. Thực tế, số học sinh tiểu học tăng lên nhưng một nền giáo dục có chất lượng cần đảm bảo cho học sinh những kỹ năng và tri thức cần thiết trong xã hội đương đại. 

Xóa mù chữ đã trở thành một yếu tố trong phát triển, thậm chí có thể nói là chìa khóa cho phát triển mà bất cứ nước nào cũng phải tính đến. Vấn đề là giáo dục trang bị cho học sinh không chỉ các kỹ năng về nhận thức, biết đọc biết viết, làm toán và phương thức tư duy, mà còn cả các kỹ năng nghề nghiệp và tư cách của một công dân có trách nhiệm. Nhưng để tiếp nhận được tri thức thì yếu tố đầu tiên là phải biết chữ. 

Trong báo cáo thường niên công bố hồi đầu tháng 4, Quỹ Chống mù chữ thế giới (WLF) cho biết hiện nay toàn thế giới có hơn 800 triệu người mù chữ, mỗi năm gây thiệt hại 1.190 tỉ USD cho kinh tế thế giới. Đi vào cụ thể, thiệt hại với các nước phát triển là 2% GDP, với  các nước mới nổi như 5 nước thuộc nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi là 1,2% GDP, với các nước đang phát triển là 0,5% GDP. 

Chính vì thế mà mù chữ và nghèo đói là hai vòng luẩn quẩn ràng buộc lẫn nhau mà các nước phải tìm cách phá bỏ nếu muốn phát triển. Từ thực tế đó, Giám đốc WLF A. Kay khẳng định: “Phải hiểu rằng sớm chữa trị được nạn mù chữ thì mới xóa đói giảm nghèo, mang lại hạnh phúc cho lớp trẻ mà hiện nay thế giới còn hơn 100 triệu trẻ em không được đến trường”. 

Trên quy mô toàn cầu, từ cuối năm 1965, LHQ đã công bố ngày 8 - 9 hằng năm là Ngày Quốc tế xóa mù chữ. LHQ cũng đặt ra mục tiêu phổ cập giáo dục cho tất cả mọi người vào năm 2015. Tuy nhiên, theo UNESCO, lý do chính dẫn đến tình trạng mù chữ nhiều như thế ở châu Á - Thái Bình Dương là do thiếu quan tâm đầu tư vào việc mở mang giáo dục căn bản phổ thông, nhất là thiếu sự dấn thân trong việc chính trị ổn định xã hội, như việc các Chính phủ bỏ ra quá ít nguồn tài chính cho việc giáo dục. 

Để hoàn thành xóa nạn mù chữ, châu Á - Thái Bình Dương cần có nhiều nỗ lực và quyết tâm chính trị, bởi xóa mù chữ không chỉ để đảm bảo cho tất cả mọi người được học hành, mà còn là một công cụ để chống lại đói nghèo, xóa bỏ nạn lao động trẻ em và bóc lột trẻ em.