“Chìa khóa” chung cư

ANTĐ - Có một nghịch lý đang xảy ra trong các khu chung cư ở Hà Nội. Càng hiện đại, sang trọng, càng nhiều vụ tranh chấp liên quan đến dịch vụ diễn ra căng thẳng. Các xung đột giữa ban quản lý chung cư với cư dân dường như không thể tìm được lối thoát chỉ xoay quanh chuyện thu, chi phí dịch vụ bất hợp lý, thiếu minh bạch. Chung cư ngày càng mọc lên, nếu không có giải pháp căn cơ và hữu hiệu từ các cơ quan quản lý Nhà nước, sẽ chồng chất thêm mâu thuẫn.

Hiện nay, phí dịch vụ hàng tháng tại các chung cư trên địa bàn có nhiều mức thu khác nhau. Nơi thấp nhất là 100.000 đồng/hộ vì được bù đắp từ kinh doanh tầng 1. Những chung cư thường thường bậc trung có mức thu phí khoảng 1 triệu đồng/hộ. Còn những chung cư cao cấp như The Manor, Ciputra, Keangnam... mức đóng phí của mỗi hộ lên tới trên 2 triệu đồng. Chấp nhận ở chung cư thì phải đóng phí dịch vụ mới đảm bảo điều kiện sinh hoạt như điện, nước, vệ sinh, cứu hỏa, an ninh trật tự.

Vướng mắc tồn tại lâu nay dẫn đến những tranh chấp căng thẳng giữa chủ quản trị tòa nhà và dân chung cư, có lẽ không nằm ở giá dịch vụ cao hay thấp, điều quan trọng là đồng tiền phải đi liền chất lượng dịch vụ và phải đảm bảo sự minh bạch, công khai. Không thể nhập nhằng giữa dịch vụ thiết yếu và dịch vụ đi kèm. Mức giá trần mà thành phố đưa ra là dành cho các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, thang máy, vệ sinh. Không nên hiểu một cách máy móc hoặc cố tình “hiểu nhầm” là bao gồm cả dịch vụ ăn theo như phòng tập, bể bơi... Đã ăn ở nhà chung cư, đương nhiên phải trả phí cho việc trông giữ xe, giá cả phải hợp lý trên mặt bằng giá thị trường. Điều người dân chung cư quan tâm là những khoản thu từ dịch vụ đó “chui” vào túi nhà đầu tư hay quay trở lại bù đắp cho chi phí vận hành chung cư và phục vụ an sinh xã hội tại chỗ.

Thực tế có không ít chung cư “bình dân” thuộc diện giải phóng mặt bằng hoặc đền bù cũng có hẳn công ty quản lý do chủ đầu tư thành lập. Mục đích chỉ là ngồi thu tiền phí hàng tháng của các hộ dân, khai thác tầng hầm, tầng 1 làm kinh doanh mà bỏ mặc các hạng mục công trình xuống cấp trầm trọng, vệ sinh môi trường ô nhiễm, không quan tâm bảo dưỡng, sửa chữa sự cố hỏng hóc. Chung cư mà chất lượng không hơn gì các khu tập thể thời bao cấp. Chất lượng sống xập xệ đến mức không ít hộ dân đã phải “bán xới” đi nơi khác. Luật Nhà ở đã có hiệu lực từ lâu, song chất lượng nhà ở trong các khu chung cư tùy thuộc vào cách quản lý, điều hành. Trong bối cảnh này, ở Hà Nội đã hình thành mô hình hợp tác xã quản lý nhà ở do Thụy Điển viện trợ thông qua Chương trình quản lý chung cư. Điểm khác biệt của mô hình này là: Lợi nhuận thu được từ người dân chung cư quay trở lại phục vụ lợi ích chính họ. Các khoản thu từ cho thuê mặt bằng trông giữ xe chung cư để trả lương cho bảo vệ, còn lại chi trả dịch vụ công cộng như vệ sinh, điện thoại. Nguồn thu từ cho thuê dịch vụ quảng cáo, ngân hàng, kinh doanh... dành chăm sóc cuộc sống người dân. Tất cả các khoản thu chi được liệt kê chi tiết bằng văn bản và báo cáo tại hội nghị “xã viên” chung cư hàng năm.

Lâu nay, mô hình hợp tác xã vẫn bị ấn tượng không mấy tốt đẹp. Tuy nhiên, mô hình hợp tác xã quản lý chung cư từ kinh nghiệm của Thụy Điển, đang áp dụng ở Hà Nội có thể mở ra hướng đi khả dĩ. Vấn đề mấu chốt là chung cư phải vì lợi ích chung, nhất là phải công khai, minh bạch và chịu sự giám sát của cộng đồng. Đây có thể coi là chiếc “chìa khóa” chung cư.