Chia bớt nỗi đau La Pán Tẩn

ANTĐ - Đến cuối ngày 9-9, trời La Pán Tẩn (Mù Cang Chải - Yên Bái) mưa vẫn chưa dứt, sương mù giăng kín như thêm phần thê lương, đưa tiễn 18 người con xấu số của bản làng. Cả làng bao trùm bầu không khí nặng nề, mưa và nước mắt vẫn chưa thể nguôi...

Phóng viên An ninh Thủ đô chia sẻ với các con vợ chồng anh chị 

Hảng Tổng Chua và Thảo Thị Của đã chết

Tang thương bao phủ

Tại trụ sở UBND xã La Pán Tẩn, ông Giàng Chứ Ly, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Địa điểm xảy ra vụ tai nạn cách trung tâm xã khoảng 7-8km đường núi. Xe ô tô không thể vào được, cách duy nhất là đi bộ thôi. Nhưng đến đấy xa lắm, lại còn phải đi hơn 3km đường rừng, trơn, khó đi”.  Ông kể lại, sáng 7-9, thường sau đợt mưa lớn thì quặng trong mỏ theo suối Khác Nha chảy ra nhiều, bà con lại rủ nhau vào mót. Nhưng không ngờ, cả quả núi cao như cái bẫy sập xuống, hơn 20 người tháo chạy, nhưng chỉ có 1 người may mắn thoát được, 2 người hiện bị thương nặng đang điều trị ở BV Đa khoa Nghĩa Lộ (Yên Bái). 18 người đã vĩnh viễn ra đi. 

Quyết tâm đến hiện trường, không còn cách nào khác, chúng tôi phải đi bộ. Đường mòn trải qua những ngày mưa lớn trơn trượt, lầy lội, lại thêm mưa nắng thất thường miền sơn cước, khiến những người vượt núi chồn chân. Leo thêm một đoạn dốc, chúng tôi gặp một nhóm người đi ngược lại, mắt ai cũng đỏ hoe, mệt mỏi, lầm lũi đi. Đưa bàn tay dính bùn đất, khó khăn lau những giọt nước mắt, ông Giàng Nhà Chông cho biết, hai vợ chồng ông và một số bà con vừa đi chôn đứa cháu.

 “Mình lên thăm thằng con Hảng A Ninh (cháu trai) vừa bị chết do núi lở. Tìm được xác nó rồi. Khổ thân nó lắm”, ông Chông kể, Hảng A Ninh, ở bản Trống Páo Sang, năm nay mới chỉ 25-26 tuổi, cưới vợ sớm nên đã có 3 con. Trong đó, đứa đầu đã học cao đẳng ở tỉnh Phú Thọ, đứa út cũng đang học lớp 11 ở trường trung tâm huyện Mù Cang Chải. “Vì thương con, muốn kiếm thêm tiền gửi cho chúng ăn học nên hàng ngày nó mới phải vào rừng mót quặng, nào ngờ núi lở đè chết nó cùng dân làng” - ông Chông xót xa kể lại. Hỏi thi thể Ninh giờ ở đâu, ông chỉ xuống đôi chân bảo: “Đào bới mãi cũng chỉ tìm được có đôi chân nó mang về, còn lại bị đá nghiền nát rồi. Nhưng, gia đình vẫn đưa về nhà làm ma. Mình phải về nhà để bắt con lợn mang lên làm lễ cúng ma cho nó. Sáng ngày kia mới đưa ra chôn”.  Ông Giàng Nhà Chông đưa tay quấn sợi dây vải đỏ, rồi chỉ vào mọi người đi cùng nói, tục lệ ở đây phải mang dây vải đỏ khi nhà có người qua đời. Con trai thì đeo ở cổ tay, con gái thì buộc vào thắt lưng. 

Đi thêm một đoạn xa, tiếng khóc ai oán vọng lại. Một đoàn người đang ngồi ăn cơm trưa. Bữa cơm đưa tiễn 2 người thân trong họ bị thiệt mạng trong vụ lở núi ấy. Họ ngồi thành hàng dọc, cơm và thức ăn để dưới đất, xa xa, một người đàn ông đang khóc như muốn dứt ruột. Hỏi ra mới biết, đó là anh Sùng A Lử, đang khóc than bên cạnh thi thể chị gái mình vừa tìm thấy là Sùng Thị Dở. Giữa tiết trời mưa u ám, tiếng khóc thương như ai oán của một người đàn ông làm bầu không khí thêm phần thê lương. Thi thể chị Dở đã được tìm thấy, nhưng mất đầu và hai chân.

Gần 4 giờ đồng hồ đoàn chúng tôi cũng vào đến nơi. Sương mù giăng kín trời, mưa lâm thâm, hoang tàn một vùng núi lở. Từng tốp người vẫn cuốc cuốc, xới xới để tiếp tục tìm những nạn nhân còn vùi chặt trong bùn đất, và tìm thêm những bộ phận thi thể còn sót lại trong đống đổ nát ấy. Thi thoảng, những tiếng nấc, những giọt nước mắt, những tiếng kêu lại bật ra trong những người đang mỏi mắt chờ đợi thi thể người thân. “Đây rồi, có cái gì”, một tiếng kêu như xé tan bầu không khí nặng nề của sự chờ đợi, cả nhóm người cật lực đào bới, một chiếc xe máy được lôi lên trong đống đất đá, nhưng chỉ có vậy. Người người lại thất vọng, nước mắt lại rơi.

Lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm 2 thi thể còn mất tích

Nước mắt người ở lại

Chảo Ồng Xiết (tên thường gọi là Nam), người duy nhất may mắn chạy thoát được cơn giận dữ của núi rừng vẫn chưa hết thất thần kể lại thời khắc kinh hoàng ấy: “Vào sáng 7-9, em cùng anh La Văn Trận (một bảo vệ khu mỏ cũng bị thiệt mạng) có nhiệm vụ trông mỏ, không để cho bà con vào mót quặng, vì mấy hôm rồi mưa to. Nhưng, bọn em chỉ có 2 người, không cản được mấy chục người dân cùng tràn vào. Em đã bị một số người cầm cuốc dọa, xô ngã. Em phải vào trong lán thay đồ. Vừa ra đến cửa lán, em bàng hoàng khi nhìn thấy cả ngọn núi trên đầu đang rung chuyển. Em chỉ còn kịp gào lên, chạy… đi! Sau tiếng nổ ầm ầm, rồi đất đá đổ ụp xuống như động đất. Một lúc sau em mới hoàn hồn, quay nhìn lại thì không còn thấy một bóng người nào nữa. Em sợ, chân tay bủn rủn, ngồi vật tại chỗ. Sau rồi, mới kêu mọi người đến giúp đỡ, tìm kiếm”. 

Ngọn núi đổ ụp xuống, chôn lấp 18 thi thể của xã La Pán Tẩn nằm trong hệ thống núi Khau Phạ, có độ cao 2.100m, năm nào cũng được đón tuyết rơi. Đau lòng, trong 16 thi thể đã được tìm thấy, chỉ có 2 người được nguyên vẹn, còn lại chỉ tìm thấy một vài bộ phận như chân, tay, đầu. Chủ tịch xã Giàng Chứ Ly kể lại: “Có người tìm thấy đầy đủ thì mặt mũi đã bị biến dạng, nát nhừ, không còn nhận ra ai với ai. Với những nạn nhân như vậy, chính quyền phải thông báo cho người thân đến nhận dạng”. 

Trong 18 người thiệt mạng ấy, có 10 người ở bản La Pán Tẩn, 8 người còn lại ở bản Trống Páo Sang. Một gia đình ở bản La Pán Tẩn đã bị thiệt mạng cả vợ chồng và đứa con trai. Đó là gia đình anh Hảng Tồng Chua và vợ là chị Thảo Thị Của cùng đứa con trai Hảng A Giàng; hay hai anh em ruột là Lý A Lềnh và Lý A Sinh ở bản Trống Páo Sang.

Trời La Pán Tẩn cuối ngày   9-9 tiếp tục mưa không dứt, sương mù vẫn giăng kín trời. Lực lượng cứu hộ gồm Công an, bộ đội được, dân quân tự vệ cùng người dân địa phương vẫn tiếp tục công việc tìm kiếm. Họ cố gắng tìm 2 người còn mắc kẹt trong đống bùn đất vì những bộ phận thi thể còn nằm lại.  Buổi sáng 7-9 đã trở thành một buổi sáng định mệnh ở La Pán Tẩn, nơi mà thiên nhiên cùng bàn tay của người dân nơi đây đã tạo ra những thửa ruộng bậc thang đẹp ngút tầm mắt. Lớp lớp sóng ruộng trải dài là niềm tự hào của người dân La Pán Tẩn, nhưng lòng người dân La Pán Tẩn giờ đây còn mang nặng nỗi đau.

Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm


Tại Công điện số 1357/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Yên Bái phối hợp với Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo Tây Bắc tiếp tục triển khai các biện pháp tìm kiếm người bị nạn, cứu chữa người bị thương, mai táng người thiệt mạng và thăm hỏi, hỗ trợ gia đình có người bị thiệt mạng, mất tích và bị thương. Cũng theo Công điện, UBND tỉnh Yên Bái phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thì xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, chiều 8-9, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức cuộc họp tại trụ sở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải. Theo ông Tạ Văn Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn là do liên tiếp 3 tháng trở lại đây, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải liên tục có mưa lớn. Đại tá Phạm Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái cho biết, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trong vụ việc thương tâm này.