Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII:

Chia “bánh” khó vì nhà nghèo, đông con

ANTĐ - Hôm qua, 11-6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2010 và bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015. Chiều cùng ngày, Quốc hội bàn dự án Luật dự trữ quốc gia.

Lĩnh vực giao thông cần nhiều vốn nhưng thường xảy ra thất thoát, chất lượng không đảm bảo

Vừa thông qua đã lại bổ sung

Liên quan tới bổ sung dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) thấy “cân đối dự án đầu tư cho giao thông tương đối nhiều”. Ông nói: “Dự án nào cũng cần thiết cả, tuy vậy, cấp bách thì có khác nhau. Cử tri có đánh giá là đầu tư cho giao thông rất nhiều tiền, nhưng quản lý dự án rất kém, chất lượng, hiệu quả rất kém và đặc biệt là thất thoát tài chính, tiêu cực trong sử dụng kinh phí rất nhiều. Cho nên, cần xem xét, cân nhắc kỹ các dự án giao thông. Theo tôi, nên đánh giá lại toàn bộ đầu tư cho giao thông trong giai đoạn vừa qua”. ĐB này cũng kiến nghị, nên tập trung nguồn lực đầu tư cho việc di dời các trường đại học, các bệnh viện ra khỏi nội đô để đỡ ùn tắc giao thông. 

Không đi vào dự án cụ thể, ĐB Nguyễn Mạnh Cường - Quảng Bình cho rằng, “phải hết sức cân nhắc”. Ông phàn nàn: “Như thế, Nghị quyết của Quốc hội không có giá trị. Kỳ trước ban hành chưa kịp thực hiện, đến kỳ này đã sửa. Không hiểu rằng sau lần này, có tiếp tục bổ sung các dự án mới hay không? Nếu lần này chúng ta phải thông qua 5 dự án bổ sung thì cũng phải rút kinh nghiệm cách làm.” ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) ủng hộ: “Tôi đã từng yên trí là lần này Quốc hội đã thông qua rồi cứ thế thực hiện, không phải bàn gì cho mất thời gian. Nhưng không hiểu sao chỉ có mấy tháng sau, chúng ta lại đề nghị bổ sung thêm 5 dự án nữa...”.

ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) lại có góc nhìn khác. Ông nói: “Tờ trình đề nghị bổ sung dự án bệnh viện ung thư thì ĐB không thể không ủng hộ được. Có ĐB suy nghĩ Nghị quyết ban hành quá chặt, không bổ sung thì có thể xem lại. Chỉ Quốc hội mới có quyền sửa nghị quyết của mình. Cần sửa lại về mặt nguyên tắc bởi tới đây sẽ tiếp tục phát sinh các dự án mới”. ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Hà Nội) cũng cho rằng, “không thể cứng nhắc trong 5 năm không thay đổi gì” song “khi thay đổi cũng phải cân nhắc”.

Lĩnh vực giao thông cần nhiều vốn nhưng thường xảy ra thất thoát, chất lượng không đảm bảo

Lo “lỗ hổng tiêu cực”

Đồng tình bổ sung 5 dự án nhưng ĐB Danh Út - Kiên Giang đề nghị làm rõ tiêu chí công trình - dự án được bổ sung. Bởi, “nếu không địa phương nào cũng cần bổ sung, địa phương nào cũng có dự án quan trọng, cấp bách”. “Xin lỗi 5 tỉnh được bố trí dự án bổ sung” ĐB Lê Việt Trường (An Giang) cho biết, nếu đồng ý sẽ tự đặt mình vào tình thế rất khó xử. Ông nói: “Sau kỳ họp, cử tri có thể hỏi chúng tôi, vì sao 5 dự án kia được vào, trong khi dự án nơi chúng tôi ứng cử cũng rất bức xúc lại không được?” ĐB Nguyễn Ngọc Bảo dường như đứng ở giữa khi nói: “Gia đình nghèo lại đông con cho nên việc phân bổ nguồn vốn hết sức khó khăn, tôi xin chia sẻ với điều hành của Chính phủ”.

ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cũng “chia sẻ cả 2 loại ý kiến”. Ông nêu vấn đề: “Thêm 5 dự án tức là phải chi thêm tiền nhưng không thấy nói rút bớt chỗ nào (tổng số tiền 225 nghìn tỷ đồng giữ nguyên). Như vậy, phải rút dự án nào ra để đưa 5 dự án này vào? Dường như rất khó, đưa thêm vào thì dễ nói chứ xin rút ra thì phía cơ quan trình cũng ngại...”. ĐB Trần Du Lịch lo lắng: “Dự án thì nhiều, tổng số tiền là 225 nghìn tỷ đồng. Điều kiện như thế này thì ai “chạy” giỏi được làm trước. Đây là lỗ hổng tiêu cực nếu ta tiếp tục làm cách này...”.

Trước các ý kiến phê bình, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh nhận lỗi trước Quốc hội: “Mới trình cách đây tháng 6, giờ thêm 5 công trình, đúng là cũng có vấn đề”. Ông cũng giải trình thêm: “Các bộ, địa phương tự lựa chọn công trình bố trí chứ Bộ KH-ĐT không can thiệp vào một danh mục nào và không phải xin-cho gì hết. Nếu công khai minh bạch như vậy, 5 năm có từng này, thì không ai cần phải “chạy” nữa. Việc phân tổng số vốn cũng chẳng ai cần phải “chạy” vì con số này phải trình qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều cấp khác xem xét. Đó là sự minh bạch và quyết tâm rất cao để chúng ta khắc phục tệ nạn xin-cho. Để làm được điều này áp lực rất lớn, nhưng chúng tôi kiên quyết vì cái chung”. Bộ trưởng trấn an các ĐBQH: “Chủ tịch tỉnh mà biết rằng mình có từng này tiền trong tay thì họ sẽ không bao giờ bố trí dàn trải nữa. Chúng tôi kiểm soát chặt chẽ, nếu anh bố trí dàn trải thì sẽ báo cáo Chính phủ dừng, thu lại tiền...”.