Chi trả gần 13 tỉ đồng tiền bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động mất việc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết ngày 31/10/2020, toàn quốc đã giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 881.895 người với số tiền chi trả 12.988 tỷ đồng, tăng 26,9% so với cùng kỳ 2019.

“Chỗ dựa” của người lao động

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành nghề, lĩnh vực, đặc biệt là du lịch, vận tải, bán lẻ, ngoại thương, đầu tư và cả tài chính - ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, thu hẹp các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các ngành dệt may và da giày, ngành nông sản, dịch vụ du lịch và bán lẻ… dẫn đến nhiều người lao động bị mất việc làm.

Theo báo cáo của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), trong quý I/2020, toàn quốc, tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp là 132.320 người, tăng 10% so quý I/2019. Tổng chi ba tháng đầu năm từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho các chế độ bảo hiểm thất nghiệp là 2.744 tỷ đồng, trong đó chi riêng cho trợ cấp thất nghiệp là 2.590 tỷ đồng, với mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân là 3,7 triệu đồng/người/tháng.

Con số này tiếp tục gia tăng trong những tháng tiếp theo. Tính đến hết tháng 6/2020, toàn quốc số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đã là 565.000 người (tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019). Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp gần 7.000 tỉ đồng, tăng gần 40% so với năm 2019.

Cập nhật số liệu mới nhất, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến hết ngày 31/10/2020, toàn quốc đã giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho 881.895 người với số tiền chi trả 12.988 tỷ đồng, tăng 26,9% so với cùng kỳ 2019. Những con số này vẫn đang tiếp tục gia tăng hàng ngày do tác động tiêu cực, sâu rộng của đại dịch Covid-19 đến thị trường lao động.

Từ những con số trên có thể thấy, bảo hiểm thất nghiệp đã thật sự trở thành “chỗ dựa” của cả triệu người lao động, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống; giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính, vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

4 chế độ hỗ trợ người lao động

Cập nhật thông tin về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2006 được tổ chức triển khai thực hiện từ 01/01/2009 với mục tiêu hỗ trợ người lao động bị thất nghiệp một phần thu nhập, hỗ trợ học nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động.

Từ ngày 01/01/2015, chính sách bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định của Luật Việc làm với những sửa đổi về mặt chính sách. Nhờ đó mà từ gần 6 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội vào năm 2009 thì đến ngày 31/12/2019 đã có trên 13 triệu người tham gia, tổng số người được chi trả trợ cấp thất nghiệp (TCTN) hàng tháng gần 5,7 triệu người với số tiền chi trả trên 52.000 tỷ đồng.

Tổng số người hưởng hỗ trợ học nghề trên 200.000 người với số tiền hỗ trợ 408 tỷ đồng. Ngoài ra, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp còn chi trả tiền đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng TCTN với tổng số tiền xấp xỉ 2.400 tỷ đồng.

Số đối tượng hưởng TCTN trong những năm đầu thực hiện chính sách còn tương đối thấp, thời gian hưởng TCTN ngắn, được phản ánh số chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp so với số thu Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong những năm đầu chỉ dao động khoảng dưới 30%. Tuy nhiên, trong những năm gần đây tỷ lệ này bắt đầu gia tăng, năm 2015 là trên 52% và đến năm 2019 tỷ lệ này là 70%. Đặc biệt, trong 10 tháng đầu năm 2020 tỷ lệ này là khoảng 90%.

Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp được triển khai, thực hiện đồng bộ từ cơ quan liên quan; trong đó vai trò chính là ngành Bảo hiểm xã hội và ngành LĐ-TB&XH. Đối với những người đã mất việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ đối với những đối tượng này theo điều 42 của Luật Việc làm, trong đó có 4 chế độ hỗ trợ người lao động gồm: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Trong đó, người lao động mất việc được giới thiệu việc làm miễn phí, từ đó chọn được những việc làm tốt, không phải mất phí giới thiệu.

Trong đại dịch Covid-19, hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm đã phát huy chức năng quản trị thị trường lao động thông qua thực thi chính sách bảo hiểm thất nghiệp; đẩy mạnh hoạt động thu thập thông tin về thị trường lao động, nắm bắt, cập nhật tình hình biến động lao động; khai thác vị trí việc làm trống để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và cung cấp thông tin cho người sử dụng lao động, góp phần điều tiết thị trường, qua đó giảm tỷ lệ thất nghiệp.