Chi tiết những đoạn đạo văn của “Tài năng và đắc dụng”

Những đoạn đạo văn trong cuốn "Tài năng và đắc dụng" hầu như nguyên văn ở các tác phẩm khác. Đôi chỗ, các tác giả có trích dẫn, nhưng lại trích dẫn kiểu copy toàn bộ bài viết ở một nơi khác và của tác giả khác.

Chi tiết những đoạn đạo văn của “Tài năng và đắc dụng”

Những đoạn đạo văn trong cuốn "Tài năng và đắc dụng" hầu như nguyên văn ở các tác phẩm khác. Đôi chỗ, các tác giả có trích dẫn, nhưng lại trích dẫn kiểu copy toàn bộ bài viết ở một nơi khác và của tác giả khác.

Biện minh thế nào thì lỗi của nhóm tác giả là không thể chấp nhận
Biện minh thế nào thì lỗi của nhóm tác giả là không thể chấp nhận

- Đó là 10 trang (từ trang 126 đến trang 135) trong bài "Albert Eintein- Người thay đổi tư duy của cả nhân loại" trong cuốn sách "Tài năng và đắc dụng" giống y hệt bài viết trong cuốn "Vũ trụ trong một vỏ hạt", chỉ khác nhau ở chữ ête và ê-te, "giả thiết" và "định đề" và một số từ bị cắt bớt trong chương 1 cuốn sách “Vũ trụ trong một vỏ hạt”:

“Gần cuối thế kỷ thứ 19, các nhà khoa học tin rằng họ gần như đã mô tả vũ trụ một cách toàn vẹn. Họ cho rằng không gian được lấp đầy bởi một loại vật chất liên tục gọi là ête (ether). Ánh sáng và các tín hiệu vô tuyến là các sóng lan truyền trong ête giống như sóng âm lan truyền trong không khí. Và tất cả các điều cần làm cho một lý thuyết hoàn thiện là phép đo chính xác để xác định tính đàn hồi của ête. Thực ra, dự liệu trước các phép đo như thế phòng thí nghiệm Jefferson ở trường đại học Harvard đã được xây dựng mà không dùng đến một cái đinh sắt nào để tránh làm nhiễu các phép đo từ tính tinh tế. Tuy vậy những người xây dựng hệ đo đã quên rằng các viên gạch nâu đỏ xây nên phòng thí nghiệm và phần lớn các tòa nhà ở Harvard đều chứa một lượng lớn sắt. Ngày nay các tòa nhà đó vẫn được sử dụng. Vào cuối thế kỷ XIX, các ý tưởng trái ngược nhau về sự có mặt của ête bắt đầu xuất hiện. Người ta tin rằng ánh sáng chuyển động với một tốc độ xác định so với ête và nếu bạn chuyển động cùng hướng với ánh sáng trong ête thì bạn sẽ thấy ánh sáng chuyển động chậm hơn, và nếu bạn chuyển động ngược hướng với ánh sáng thì bạn sẽ thấy ánh sáng di chuyển nhanh hơn.

Một loạt các thí nghiệm để chứng minh điều đó đã thất bại. Albert Michelson và Edward Morley của trường khoa học ứng dụng ở Cleveland, bang Ohio đã thực hiện các thí nghiệm cẩn thận và chính xác nhất vào năm 1887. Họ so sánh tốc độ ánh sáng của hai chùm sáng vuông góc với nhau. Vì trái đất tự quay quanh mình và quay quanh mặt trời nên dụng cụ thí nghiệm sẽ di chuyển trong ête với tốc độ và hướng thay đổi. Nhưng Michelson và Morley cho thấy rằng không có sự khác biệt giữa hai chùm sáng đó.

Hình như là ánh sáng truyền với tốc độ như nhau đối với người quan sát, không phụ thuộc vào tốc độ và hướng của người chuyển động.

Dựa trên thí nghiệm Michelson-Morley, một nhà vật lý người Ai-len tên là George Fitzgerald và nhà vật lý người Hà Lan tên là Hendrik Lorentz giả thiết rằng các vật thể chuyển động trong ête sẽ co lại và thời gian sẽ bị chậm đi. Sự co và sự chậm lại của đồng hồ làm cho tất cả mọi người sẽ đo được một tốc độ ánh sáng như nhau không phụ thuộc vào việc họ chuyển động như thế nào đối với ête (George Fitzgerald và Hendrik Lorentz vẫn coi ête là một loại vật chất có thực).

Suốt trong 5 năm trường, từ năm 1901 đến năm 1905, các cố gắng tư tưởng của Einstein  đã mang lại kết quả. Vào một buổi sáng tháng 6-1905, viên chủ nhiệm Tạp chí Ânnlen der Physik tại Munich tiếp một thanh niên tóc đen không chải, quần áo cũ kỹ. Thanh niên đó đưa viên chủ nhiệm một cuộn giấy 30 trang và yêu cầu đăng trên tạp chí khoa học.

Bài báo chỉ ra rằng nếu người ta không thể biết được người ta chuyển động trong không gian hay không thì khái niệm ête không còn cần thiết nữa. Thay vào đó, ông bắt đầu bằng một giả thuyết rằng các định luật khoa học xuất hiện như nhau đối với tất cả những người quan sát chuyển động tự do. Đặc biệt là họ sẽ đo được tốc độ ánh sánh như nhau không phụ thuộc vào tốc độ chuyển động của họ. Tốc độ của ánh sáng độc lập với chuyển động của người quan sát và như nhau theo tất cả các hướng. Ý tưởng này đòi hỏi phải từ bỏ ý nghĩ cho rằng tồn tại một đại lượng phổ quát được gọi là thời gian có thể đo được bằng tất cả các đồng hồ. Thay vào đó, mỗi người có một thời gian riêng của họ. Thời gian của hai người sẽ giống nhau nếu hai người đó đứng yên tương đối với nhau, nhưng thời gian sẽ khác nhau nếu hai người đó chuyển động tương đối với nhau. Giả thuyết này được khẳng định bằng rất nhiều thí nghiệm, trong đó có một thí nghiệm gồm hai đồng hồ chính xác bay theo hướng ngược nhau vòng quanh trái đất và quay lại cho thấy thời gian có sai lệch chút ít. Điều này gợi ý rằng nếu ai đó muốn sống lâu hơn thì người đó nên bay về hướng đông vì như thế thì tốc độ của máy bay sẽ cộng thêm vào tốc độ quay của trái đất.

Định đề của Einstein cho rằng các định luật khoa học xuất hiện như nhau đối với tất cả các người quan sát chuyển động tự do là cơ sở của thuyết tương đối. Gọi như vậy vì nó ngụ ý rằng chỉ có chuyển động tương đối là quan trọng. Vẻ đẹp và sự đơn giản của giả thuyết này đã thuyết phục rất nhiều các nhà tư tưởng, tuy nhiên, vẫn có rất nhiều các ý kiến trái ngược. Einstein đã vứt bỏ hai khái niệm tuyệt đối của khoa học thế kỷ XIX: đứng yên tuyệt đối – đại diện là ête và thời gian tuyệt đối và phổ quát mà tất cả các đồng hồ đo được. Rất nhiều người thấy rằng đây là một khái niệm không bình thường. Họ hỏi, giả thuyết ngụ ý rằng tất cả mọi thứ đều tương đối, rằng không có một tiêu chuẩn đạo đức tuyệt đối? Sự bứt rứt này tiếp diễn trong suốt những năm 20 và 30 của thế kỷ XX. Einstein được trao giải Nobel vào năm 1921 về một công trình kém quan trọng hơn cũng được ông cho ra đời vào năm 1905. Lúc đó, thuyết tương đối không được nhắc đến vì nó vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Tuy vậy, hiện nay, các nhà vật lý hoàn toàn chấp nhận thuyết tương đối, và các tiên đoán của nó đã được kiểm chứng trong vô vàn ứng dụng.

Một hệ quả quan trọng của thuyết tương đối là hệ thức giữa khối lượng và năng lượng. Giả thiết của Einstein về tốc độ của ánh sáng là như nhau đối với tất cả các người quan sát ngụ ý rằng không có gì có thể chuyển động nhanh hơn ánh sáng. Nếu ta dùng năng lượng để gia tốc một vật nào đó, dù là một hạt hay một tàu vũ trụ, thì khối lượng của vật đó sẽ gia tăng cùng với tốc độ và do đó sẽ khó có thể gia tốc thêm được nữa. Ta không thể gia tốc một hạt đến tốc độ ánh sáng vì ta cần một năng lượng lớn vô cùng để làm điều đó. Khối lượng và năng lượng là tương đương và điều đó được tổng kết trong một phương trình nổi tiếng E = mc2. Nói một cách đại cương, phương trình trên có nghĩa là năng lượng của vật chất bằng khối lượng nhân với bình phương tốc độ ánh sáng. Một trong số các hệ quả của phương trình trên là hạt nhân của nguyên tử Uranium phân rã thành 2 hạt nhân nhỏ hơn có tổng khối lượng nhỏ hơn khối lượng của hạt nhân ban đầu, việc này sẽ giải tỏa một năng lượng vô cùng lớn."

- Đó là trang 134 đến trang 136 trong cuốn sách "Tài năng và đắc dụng" cũng coppy nguyên bản trong chương 1 của cuốn sách "Vũ trụ trong một vỏ hạt" trang 19-20-21:

"Lý thuyết mới về sự cong của không thời gian được gọi là thuyết tương đối rộng để phân biệt với lý thuyết ban đầu không có lực hấp dẫn được mọi người biết đến với cái tên là thuyết tương đối hẹp. Lý thuyết này được khẳng định trong một thí nghiệm rất ấn tượng vào năm 1919, trong một cuộc thám hiểm của các nhà khoa học người Anh về phía Tây châu Phi đã quan sát được độ lệch rất nhỏ của ánh sáng đến từ một ngôi sao đi gần mặt trời trong quá trình nhật thực. Đây là một bằng chứng trực tiếp cho thấy rằng không thời gian bị bẻ cong, và nó đã khích lệ sự thay đổi lớn nhất của con người trong nhận thức của chúng ta về vũ trụ mà chúng ta đang sống từ khi Euclid viết cuốn sách Hình học cơ sở vào khoảng 300 năm trước Công nguyên.

Thuyết tương đối rộng của Einstein đã biến không thời gian từ vai trò là một khung nền thụ động trong đó các hiện tượng xảy ra trở thành  một tác nhân chủ động trong chuyển động của vũ trụ. Điều đó dẫn tới một bài toán rất lớn và là mối quan tâm hàng đầu của vật lý ở thế kỷ 20. Vũ trụ tràn đầy vật chất và vật chất bẻ cong không thời gian theo một cách làm cho các vật thể rơi vào nhau. Einstein thấy rằng các phương trình của ông không có nghiệm mô tả một vũ trũ tĩnh tại và không thay đổi theo thời gian. Thay vì việc từ bỏ một vũ trụ vĩnh cửu mà ông và phần lớn những người khác tin, ông đã thêm vào một số hạng gọi là hằng số vũ trụ một cách khiên cưỡng.

Hằng số này làm cong không thời gian theo hướng ngược lại, do đó, các vật thể sẽ chuyển động ra xa nhau. Hiệu ứng đẩy của hằng số vũ trụ có thể cân bằng với hiệu ứng hút của vật chất, cho phép ông thu được một vũ trụ tĩnh tại. Đây là một trong những cơ may bị mất đáng tiếc nhất trong vật lý thuyết. Nếu Einstein dừng lại ở các phương trình ban đầu của ông, ông có thể tiên đoán rằng vũ trụ sẽ giãn nở hoặc co lại. Khả năng vũ trụ thay đổi theo thời gian chỉ được xem xét một cách nghiêm túc cho đến khi có được những quan sát thu được từ kính thiên văn 2,5 m đặt trên đỉnh Wilson vào những năm 1920.

Những quan sát này cho thấy rằng các thiên hà ở càng xa nhau thì chuyển động ra xa nhau càng nhanh. Vũ trụ đang giãn nở với khoảng cách giữa 2 thiên hà tăng dần theo thời gian.

Phát hiện này đã loại bỏ sự có mặt của hằng số vũ trụ để có được một vũ trụ tĩnh. Sau này Einstein nói rằng hằng số vũ trụ là sai lầm lớn nhất của đời ông. Tuy vậy, ngày nay, người ta thấy rằng hằng số vũ trụ hoàn toàn không phải là một sai lầm: những quan sát gần đây sẽ được mô tả trong chương 3 gợi ý rằng thực ra là có một hằng số vũ trụ có giá trị rất nhỏ."

-  Đó là bài viết: "Bill Gates, biểu tượng của thời đại kinh tế tri thức" của “Tài năng và đắc dụng”, từ trang 291 đến trang 293 hoàn toàn giống bài 4 của loạt bài "Bill Gates - Đằng sau một ngai vàng" đăng trên trang web: http://tuoitre.vn/The-gioi/Ho-so/55536/Bill-Gates---dang-sau-mot-ngai-vang-ky-4-Duoi-theo-uoc-mo.html:

"Khi cả hai đã vững vàng ở New Mexico, Gates và Allen tuyển mộ các thành viên cũ của nhóm lập trình Lakeside (và một số bạn bè khác), tên Micro-soft xuất hiện trong tiến trình đó. Khoảng thời gian họ chuyển địa điểm đến Seattle, dấu nối đã bị bỏ đi để trở thành Microsoft.

Mặc dù tỉ lệ hợp tác giữa Gates-Allen được thỏa thuận ban đầu là 50/50, sau đó Gates đã đề nghị tỉ lệ chia phần mới là 60/40 nghiêng về phía anh. Gates cho rằng như vậy là công bằng vì ngoài công việc từ các hợp đồng phụ, Allen còn được hưởng tiền lương từ MITS. Như một nhân viên của Microsoft, Gates làm việc chỉ trông vào tiền bản quyền.

Trong những năm mới thành lập, cách quản lý của Microsoft không được chặt chẽ. Cả Gates và Allen cùng làm tất cả mọi việc, mỗi việc một ít. Tuy nhiên, nhìn chung thì Allen tập trung vào công nghệ mới và sản phẩm, trong khi Gates thường dành sự quan tâm cho công việc làm ăn mới, các cuộc đàm phán và các hợp đồng kinh tế. Trong vòng 18 tháng, họ đã kiếm được cho công ty mới của mình hàng trăm nghìn đôla Mỹ qua việc viết chương trình cho Công ty Apple Computer Inc. và Commodore.

Một trong những điều làm Gates bực mình khi trở thành một ông chủ trẻ là anh không thể thuê ôtô vì chưa đủ 21 tuổi. Khi có việc phải đến liên hệ với Applied Digital Data Systems, công ty sản xuất các thiết bị đầu cuối ở Hauppauge, New York, Gates đã phải nhờ khách hàng cho người đưa xe đến sân bay để đón anh.

Allen, Gates và những người bạn trong nhóm lập trình cũ được thành lập lại vẫn tiếp tục sống và làm việc khác với lề thói bình thường, khác với những mô hình công ty khác. Đầu tiên, họ sống tại khách sạn ven đường Tumbleweed Motel bụi bặm, rồi để giảm chi phí, họ đã thuê một căn hộ ở chung với nhau.

Phần lớn thời gian họ dành cho việc lập trình, ăn bánh pizza, đi xem phim hoặc phóng xe vun vút trên sa mạc vào lúc nửa đêm trên chiếc xe Porsche của Gates. “Vâng, cuộc sống của chúng tôi là làm việc và có thể là đi xem phim, rồi lại về tiếp tục làm việc. Đôi khi khách hàng cũng đến tận nơi làm việc, và có lúc do quá mệt mỏi chúng tôi thường ngủ ngay trước mặt họ”.

Khoảng một tuần sau khi Miriam Lubow được thuê vào làm quản lý văn phòng, cô thấy một cậu bé tự động đi vào phòng của Gates mà Gates lúc ấy đang đi công tác xa. Đã được dặn trước rằng không ai có quyền bước vào căn phòng đó nếu không được phép, cô vội vàng chạy đi báo cho đồng nghiệp là Steve Wood biết. Và cô ta đã thật sự kinh ngạc khi biết rằng cậu bé đó chính là ông chủ của mình.

Có lẽ để cảnh báo một cách tế nhị cho các khách hàng về ông chủ trẻ của mình, Công ty Microsoft khi đăng quảng cáo trên các tạp chí điện tử thường dùng hình vẽ một nhân vật trẻ, Micro Kid, tuy nhỏ bé nhưng rất quyền năng.

Đến năm 1980, khi Microsoft lần đầu tiên được IBM - ông vua của ngành công nghiệp máy tính - đến tiếp xúc  thì Gates mới 25 tuổi và nhân viên của Microsoft chỉ có 32 người.

Gates trông còn quá trẻ để có thể được ưng thuận, “Nhưng đây là một chàng trai khôn ngoan hơn tuổi đời của anh ta - một thiên tài trong lĩnh vực lập trình, một tài năng bẩm sinh trong kinh doanh, điều đó được thể hiện khi anh điều khiển được mối quan hệ của Microsoft với IBM sao cho có lợi nhất cho công ty” - một ủy viên ban quản trị IBM nói."

- Đó là  phần "Từ thiện" ở mục 5 của cuốn sách "Tài năng và đắc dụng" hầu như được chép lại nguyên trong bài "Tiểu sử Chủ tịch tập đoàn Microsoft" đăng tải trên trang web Vietbao.vn ngày 25/3/2006 (lấy lại từ Microsoft Việt Nam), chỉ rút gọn lại ở một số câu từ và chỉ khác có 2 số liệu là số tiền được quyên góp làm từ thiện của vợ chồng Bill Gates:

"Năm 1999, Gates viết cuốn sách Kinh doanh nhanh bằng tốc độ của tư duy (Business @ the Speed of Thought). Cuốn sách nói lên sức mạnh của công nghệ máy tính có thể giải quyết các vấn đề kinh doanh theo những cách mới hoàn toàn. Cuốn sách được xuất bản trên 25 ngôn ngữ ở trên 60 nước trên thế giới. Nó nhận được nhiều ý kiến phê bình, trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất của tờ Thời báo New York, Nước Mỹ ngày nay, Tạp chí phố Wall và hãng bán lẻ trực tuyến lớn nhất trên thế giới Amazon. Trước đó, vào năm 1995, Gates đã viết cuốn sách Con đường phía trước (The Road Ahead), cũng đã giữ vị trí số một trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất của tờ Thời báo New York trong vòng 7 tuần liên tiếp. Gates đã tặng số tiền bán được từ 2 cuốn sách trên cho một tổ chức phi lợi nhuận, khuyến khích việc sử dụng công nghệ đào tạo và phát triển các kỹ năng.

Ngoài tình yêu máy tính và phần mềm, năm 1989, Gates còn sáng lập ra công ty Corbis, nhằm phát triển một trong những nguồn thông tin hình ảnh lớn nhất thế giới - đó chính là nơi lưu trữ nghệ thuật và nhiếp ảnh số lấy từ các bộ sưu tập công cộng và cá nhân trên toàn thế giới. Ông còn là thành của Ban giám đốc của công ty Berkshire Hathaway Inc., đầu tư vào những công ty có các hoạt động kinh doanh khác nhau.

Nhắc đến Gates thì không thể nhắc đến từ thiện. Hai vợ chồng Gates còn quyên tặng số tiền là 27 tỷ USD (3-2004) để ủng hộ các sáng kiến từ thiện trong lĩnh vực sức khỏe và học tập toàn cầu với hy vọng rằng vào thế kỷ XXI, các tiến bộ quan trọng trong lĩnh vực này sẽ có thể đến tất cả mọi người trên thế giới. Quỹ Bill và Melinda Gates đã đóng góp hơn 3.2 tỷ USD cho các tổ chức làm việc trong lĩnh vực sức khỏe khỏe toàn cầu; đóng góp hơn 2 tỷ Đô la để tạo thêm cơ học tập cho mọi người gồm Thư Viện Gates mạng máy tính, Internet cho các thư viện công cộng ở những nơi có thu nhập thấp ở Hoa Kỳ và Canada; 477 triệu USD cho các dự án cộng đồng cho khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và hơn 488 triệu USD cho các dự án đặc biệt.

Gates lập gia đình vào ngày 1-1-1994. Vợ ông là Melinda French Gates. Họ có 3 người con: Jennifer Gates (1996), Rory Gates (1999) và Phoebe Gates (2002)."

- Đó là phần cuối cùng ở mục 6: Đối đầu với pháp luật tại trang 299 của cuốn sách "Tài năng và đắc dụng", tác giả có ghi rõ nguồn trích dẫn được lấy trên báo Tuổi trẻ online từ năm 2004. Dù ghi rõ như vậy, nhưng câu hỏi ở đây là: Trích dẫn gần như toàn bộ như vậy thì tính nghiên cứu của một công trình khoa học ở đâu? Hay chỉ là động tác copy? Hãy đọc đoạn từ đầu đến cuối trong bài thứ 9 của loạt bài "Bill Gates - Đằng sau một ngai vàng được đăng trên báo Tuổi trẻ. (Chỉ có một vài động từ được các tác giả trong cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” dùng từ nhẹ nhàng hơn, văn viết hơn mà thôi). 

Ngoài ra, còn một số đoạn trong bài “Bill Gates, biểu tượng của thời đại kinh tế tri thức” cũng được tổng hợp, biên tập lại, trích ý từ loạt bài “Bill Gates - đằng sau một ngai vàng”.

- Đó là bên cạnh việc lấy từ câu chữ đến ý tứ của những tác phẩm trên, bài viết về "Thomas Ava Edison - Nhà phát minh vĩ đại của thế kỷ XIX", dù tài liệu tham khảo được trích dẫn từ trang web: Thomas Edison, http://vietscien...org, nhưng rất nhiều đoạn dài, tác giả đã bê nguyên văn phong trong http://vietscien...org  mà không hề chỉnh sửa hay biên tập lại, hoặc có đoạn chỉ thêm thắt vào một vài câu.

Đoạn từ trang 142 đến trang 145 là một ví dụ: "Al cũng được cha mẹ cho đi học tại một ngôi trường độc nhất. Trường chỉ có một lớp với khoảng 40 học sinh, lớn có, nhỏ có, học một ông giáo theo các trình độ khác nhau. Trong phòng học những chỗ ngồi gần ông thầy chỉ để dành cho các trẻ em ngu đần. Tại lớp học, Al đặt rất nhiều câu hỏi hắc búa mà lại không chịu trả lời các câu hỏi của thầy. Al thường đội sổ, khiến cho các bạn cậu chế riễu cậu là đần độn.

Một hôm, nhân có viên thành tra vào thăm lớp học, thầy giáo đã chỉ vào Al và nói: “trò này điên khùng, không đáng ngồi học lâu hơn”. Al rất căm hận về hai chữ “điên khùng” và đem câu chuyện này kể lại với mẹ. Bà Nancy khi nghe kể xong, liền nổi giận, bà dẫn ngay Al đến trường và bảo ông giáo : “ông bảo con tôi điên khùng hả? Tôi nói thật cho ông rõ, trí óc của nó còn hơn ông đấy. Tôi sẽ giữ nó tại nhà và dạy lấy, vì tôi đã là giáo viên, để ông thấy rằng sau này nó sẽ ra sao!”. Một giai thoại nữa...

Từ đó, Alva không đến trường nữa mà học với mẹ tại nhà trong suốt sáu năm trường. Nhờ mẹ, Al học dần các môn Lịch Sử của Hy Lạp, La Mã và Sử Thế Giới. Al cũng được làm quen với Thánh Kinh, với các tác phẩm của Shakespeare và của các văn sĩ, thi sĩ, sử gia danh tiếng khác. Nhưng đặc biệt nhất, Al ưa thích Khoa Học. Cậu có thể kể lại rành mạch các phát minh, các thí nghiệm và tiểu sử của các đại bác học như Newton, Galileo. . . Chỉ trong vòng 6 năm, bà Nancy đã truyền lại cho con tất cả kiến thức của mình, từ môn Địa Dư với những tên núi sông, tới môn Toán Học chính xác. Bà Nancy không những dạy con về học vấn mà còn huấn luyện Al về hạnh kiểm. Al được mẹ nhắc nhở các đức tính thật thà, ngay thẳng, tự tin và cần cù, cộng với lòng ái quốc và tình yêu nhân loại...

Al học hành tiến bộ rất nhanh chóng khiến cho cha rất hài lòng. Ông Samuel thường cho con các món tiền nhỏ đủ mua dần từng cuốn sách hữu ích, nhờ thế Al đã say sưa với các tác phẩm như Ivanho của Scott, Robinson Crusoe của Defoe và Oliver Twist của Dickens. Nhưng tác giả mà Al ưa thích nhất là Victor Hugo và cậu thường kể lại cho các bạn nghe các câu chuyên đã đọc qua...

Năm 10 tuổi, Al được cha cho cuốn sách toát yếu về Khoa Học của soạn giả Parker (School Compendium of Natural and Experimental Philosophy by Richard Green Paker). Trong cuốn sách toát yếu này, Paker đã giảng giải về máy hơi nước, máy điện báo, cột thu lôi, pin Volta... Cuốn sách đã trả lời Al rất nhiều điều mà từ trước, Al vẫn thường thắc mắc. Cuốn sách này đã dẫn đường cho Al tới phạm vi rộng lớn của Khoa Học và khiến cho cậu yêu thích môn Hóa Học".

Còn rất nhiều đoạn dài trong bài viết “Thomas Alva Edison, Nhà phát minh vĩ đại của thế kỷ XIX” của “Tài năng và đắc dụng” đã có công copy nguyên bản hoặc cắt ngắn lại từ trang http://vietscien...org, như những đoạn "phát minh ra máy hát", "Phát minh ra đèn điện", "Phát minh ra máy chiếu bóng"...

Theo Mai Khôi – Thanh Nguyên

Giáo dục việt nam