Chỉ thay đổi phương án thi THPT quốc gia nếu học sinh không trở lại trường sau 15/6

ANTD.VN - Xuất hiện tâm lý trông chờ bỏ thi THPT quốc gia  do dịch Covid-19 kéo dài, tuy nhiên Bộ GD-ĐT khẳng định chỉ thay đổi phương án tổ chức thi nếu không thể đi học trở lại sau ngày 15/6.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ này đang xây dựng các phương án tổ chức thi THPT quốc gia 2020 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, học sinh có thể đi học trở lại vào ngày 30/5 và chậm nhất là ngày 15/6 thì chương trình học của học sinh đến ngày 15/7 vẫn hoàn thành và kết thúc năm học vào thời điểm đó cùng với việc học trực tuyến, học trên truyền hình trong thời gian nhà trường tạm đóng cửa.

Với cách tính này, học sinh  lớp 12 vẫn có 3 tuần ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia bắt đầu vào ngày 11/8.

Tuy nhiên, ông Độ cũng cho rằng kỳ thi sẽ được tổ chức với tinh thần giảm tải nhiều nhất có thể để tổ chức thi theo đúng luật. Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 vẫn kéo dài, học sinh đi học trở lại sau ngày 15/6 thì Bộ sẽ trình Quốc hội để có sự điều chỉnh phù hợp.

Có thể giảm môn thi THPTQG nếu học sinh không được đi học trở lại sau 15/6

Với thông tin này, có thể thấy các thí sinh chuẩn bị dự thi THPT quốc gia năm nay không nên có tâm lý trông chờ bỏ thi. Việc đi học trở lại vào thời điểm nào cũng không có nghĩa là không thể học tập, ôn luyện dù thực tế có nhiều khó khăn khi học trực tuyến hay học trên truyền hình.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Lê Quý Đôn cho biết, nếu học sinh trở lại trường học muộn nhất 15/6, các nhà trường chỉ còn đúng 1 tháng để dạy học, sẽ có nhiều việc thực hiện cùng lúc nên từ bây giờ các trường phải lên kế hoạch chi tiết mới đảm bảo.

Vì chương trình học kỳ II đã được rút gọn, học sinh không quá nặng nề nên ông Bình ủng hộ phương án vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Theo ông Bình, phương án này giữ ổn định cho các địa phương trong việc tổ chức thi, xét tốt nghiệp THPT, đồng thời không gây xáo trộn phương án tuyển sinh ĐH.

Trong trường hợp vì nghỉ học kéo dài phải thay đổi phương án thi sẽ rất gấp rút cho các địa phương, nhà trường đồng thời thí sinh sẽ phải đối mặt với nhiều thay đổi về cách thức tuyển sinh ĐH.

Như vậy, dù với phương án nào thì thí sinh cũng cần chú trọng ôn tập, không chủ quan, bị động trông chờ hoãn, bỏ thi THPT quốc gia vì còn phải đối mặt với tuyển sinh ĐH.

Liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Tiến sĩ Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT cho biết, độ khó của đề thi tham khảo THPT quốc gia năm nay giảm hơn so với đề thi tham khảo và đề thi chính thức của kỳ thi năm 2019...

Ông Hồng khẳng định, đề thi chính thức của kỳ thi THPT quốc gia 2020 sẽ tuân thủ đúng quy định trong hướng dẫn điều chỉnh chương trình, Bộ: "Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản và các nội dung mà hướng điều chỉnh này yêu cầu "không dạy, không làm, không thực hiện; khuyến khích học sinh tự học".

Tuy nhiên, phần “tự học có hướng dẫn” thì không phải là khuyến khích mà là yêu cầu bắt buộc nên vẫn có thể kiểm tra, hoặc ra trong đề thi.