Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,45%, đe dọa mục tiêu lạm phát

ANTD.VN - 10/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng giá khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2018 tăng 0,45% so với tháng trước. 

CPI tháng 8 tăng 0,45% do nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ tiếp tục tăng giá

Ngày 29-8, Tổng cục Thống kê đã công bố CPI tháng 8-2018. Theo đó, CPI tháng 8-2018 tăng 0,45% so với tháng trước.

Có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất 0,87%, chủ yếu do nhóm thực phẩm tăng 1,12% làm CPI chung tăng 0,25%. Giá thịt lợn tăng mạnh trong thời gian vừa qua là một trong những nguyên nhân khiến chỉ số giá nhóm này tăng mạnh; Nhóm lương thực tăng nhẹ 0,1%.

Nhóm giáo dục tăng 0,46% do trong tháng có 14 địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2-10-2015 của Chính phủ. Nhóm nhà ở vật liệu và xây dựng tăng 0,44% (giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,42%; giá gas tăng 2,8% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá gas vào thời điểm 1-8-2018).

Bên cạnh đó, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,19%; Nhóm giao thông tăng 0,13%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,11%. Hai nhóm may mặc, mũ nón, giày dép và thiết bị, đồ dùng gia đình cùng tăng 0,1%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,13%.

Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,07%.

Như vậy, CPI bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 3,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. CPI tháng 8-2018 tăng 2,59% so với tháng 12-2017 và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 8-2018 tăng 0,22% so với tháng trước và tăng 1,54% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 1,38% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.

Diễn biến giá cả này dường như trái với dự báo CPI tháng 8 tiếp tục giảm nhẹ được đưa ra vào đầu tháng 8-2018 và gây áp lực lên mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2018. Trong tháng 7-2018, CPI giảm nhẹ 0,09% so với tháng 6.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ- Trưởng ban điều hành giá của Chính phủ đã yêu cầu Bộ NN&PTNT phải có báo cáo riêng về điều hành giá thịt lợn, tính toán cung cầu từ nay tới cuối năm, bảo đảm các chỉ tiêu về sản lượng, về giá cho từng tháng, tránh tăng giá gây áp lực lên lạm phát.

Đối với giá dịch vụ công do Nhà nước định giá, trong tháng 9 dự kiến điều chỉnh tăng 0,07% học phí, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chủ động nắm bắt thông tin, tính toán đăng ký lộ trình tăng giá của địa phương, phân bổ và kiểm soát mức độ tăng giá dịch vụ giáo dục cho phù hợp.

Cùng với đó, các dịch vụ công do Nhà nước định giá khác cần xem xét, tính toán kỹ kịch bản điều hành, hạn chế việc điều chỉnh giá trong tháng 9 là thời điểm diễn ra năm học mới.