Chỉ ra nguy cơ trục lợi từ xe công và cho thuê tài sản công

ANTD.VN - Thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) chiều 10-11, đa số các đại biểu đều cho rằng, việc sửa đổi luật này nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình quản lý tài sản công, góp phần khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực từ tài sản này.

Chỉ ra nguy cơ trục lợi từ xe công và cho thuê tài sản công ảnh 1

Vấn đề khoán xe công được nhiều người dân và cử tri quan tâm

Tránh nhập nhèm tài sản công 

Góp ý về phạm vi điều chỉnh của Dự án luật trên, ĐB Hà Thị Minh Tâm (đoàn Hà Nam) cho rằng, chỉ nên xây dựng Luật này thành luật khung, không nên tham vọng xây dựng một “siêu” luật. Khái niệm tài sản công là khái niệm rộng đã được đề cập đến trong nhiều luật chuyên ngành, do vậy, Ban soạn thảo nên rà soát kỹ, tránh chồng chéo. Bên cạnh đó, khi nêu khái niệm tài sản công cần dựa trên quy định của Hiến pháp để có cách giải thích cho phù hợp.

Về khai thác, sử dụng tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích cho thuê, theo ĐB Hà Thị Minh Tâm, hiện tượng này đã diễn ra từ trước đến nay nhưng do chưa có quy định cụ thể nên mạnh ai nấy làm. Việc luật hóa vấn đề này nhằm tránh tình trạng cho thuê “chui”, song để đạt hiệu quả như mong muốn cần có quy định về chủ thể, biện pháp giám sát chặt chẽ để hạn chế việc cá nhân trục lợi từ cho thuê tài sản công. 

Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, nguyên tắc giám sát của cộng đồng với việc quản lý tài sản công trong Dự thảo được quy định quá chung chung, chỉ mang tính hình thức nên khó có thể đi vào đời sống. Do vậy, cần sớm bổ sung quy định về thời điểm, thành phần tham gia giám sát, cách xử lý khi phát hiện sai phạm…

Cũng theo ĐB Hà Sỹ Đồng, quản lý tài sản công không nên chỉ là quản lý đơn thuần mà phải làm gia tăng, phát triển tài sản công. Còn theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang), cần hạch toán chi tiết tài sản công tránh nhập nhèm với tài sản khác, nên quy định rõ về quy trình sử dụng, mua sắm tài sản, việc công khai tài sản công. 

Dễ trục lợi nếu trụ sở làm việc không sử dụng hết, mà cho thuê

Cho ý kiến về vấn đề khoán xe công, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội) phát biểu, thời gian qua, vấn đề này được nhiều cử tri và người dân quan tâm. Nếu thực hiện tốt việc khoán xe công sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ cho ngân sách Nhà nước, tránh việc sử dụng xe công sai mục đích.

Tuy vậy, theo đại biểu này, Dự thảo chưa làm rõ một số vấn đề như chưa quy định rõ khoán xe công là áp dụng bắt buộc hay tự nguyện (ĐB Vũ Thị Lưu Mai đề nghị áp dụng tự nguyện), đối tượng áp dụng cũng chưa được làm rõ. Bên cạnh đó, mức khoán cũng chưa được đề cập, hiện đang áp dụng thí điểm, nhưng ở mỗi cơ quan lại khác nhau (Bộ Tài chính khoán theo km, một số cơ quan dân cử thì lại khoán gọn). Ngoài ra, thời điểm áp dụng khoán xe công cũng chưa có quy định.

Do đó, theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai, cần quy định rõ về lộ trình thực hiện khoán xe công, đồng thời cân nhắc có nên giao Bộ Tài chính quy định về vấn đề này hay không.

Về nhà ở công vụ, ĐB Vũ Thị Lưu Mai nêu ý kiến cần cân nhắc áp dụng thành chủ trương lớn vì 2 lý do:  Một số cơ quan đã xây dựng trụ sở tương đối đầy đủ để đáp ứng nhu cầu, nếu khoán nhà công vụ thì hàng năm ngân sách Nhà nước phải chi một khoản không nhỏ.

Về khai thác tài sản công tại cơ quan Nhà nước, đại biểu này cho rằng, quy định trong Dự thảo chưa hợp lý, mâu thuẫn với nguyên tắc sử dụng tài sản đúng mục đích. Nếu cho phép cho thuê tài sản để thu lợi nhuận thì nhiều cơ quan, tổ chức sẽ lợi dụng quy định này để kinh doanh hòng trục lợi.

“Theo tôi, tài sản Nhà nước giao cho cơ quan Nhà nước làm trụ sở làm việc, nếu không sử dụng hết thì điều chuyển cho cơ quan khác. Về quản lý tài sản công tại doanh nghiệp, thực tế số tài sản này khá lớn, thời gian qua việc sử dụng đất đai trong một số doanh nghiệp còn nhiều bất cập nên cần làm rõ trách nhiệm cá nhân trong vấn đề này” - ĐB Vũ Thị Lưu Mai bày tỏ quan điểm.