"Chị ong nâu nâu" phiên bản thất tình: Đừng quá kỳ thị với nhạc chế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Thời gian vừa qua, ca khúc thiếu nhi "Chị ong nâu và em bé" của nhạc sĩ Tân Huyền đã được dân mạng sục sôi tìm kiếm. Nhưng đó không phải là ca khúc nguyên tác mà là các bản chế "Chị ong nâu nấu nầu nâu",  "Chị ong nâu remix", "chị ong nâu chế", "Chị ong nâu nâu" phiên bản thất tình....

Trào lưu này bắt nguồn từ việc kênh Youtube Hwang Cho đăng tải một video hát nhép trên nền nhạc "chị ong nâu nấu nầu nâu" với nét diễn thất tình buồn bã. Giọng hát gốc là của Soi Nguyễn, sinh năm 1998, đang học năm cuối tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Sau một đêm, giọng hát "tái chế" Soi Nguyễn bỗng nổi đình nổi đám với lượng tương tác và theo dõi tăng vọt trên trang cá nhân, đã có nhiều nhãn hàng ngỏ ý muốn hợp tác cùng Soi Nguyễn nhưng cô đều từ chối. Theo chia sẻ của Soi Nguyễn, ban đầu cô chỉ định làm cho không khí vui vẻ và không có sự chuẩn bị trước. Do đó, việc video được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội khiến ê kíp rất bất ngờ.

Vốn là một ca khúc thiếu nhi trong trẻo, khuyên nhủ các em nhỏ hãy học tập và làm việc một cách chăm chỉ, nhưng với phiên bản chế "Chị ong nâu nấu nầu nâu", ca khúc nguyên tác đã được khoác lên mình phong cách thất tình, não nề. ủy mị. Sau Soi Nguyễn đã có nhiều bạn trẻ cover lại bản chế này và đặt với những tên gọi khác như "Chị ong nâu nâu" phiên bản thất tình, "Chị ong nâu" remix....

Trào lưu này mạnh mẽ và sôi nổi tới mức, các nghệ sĩ nổi tiếng như Ninh Dương Lan Ngọc, Hoàng Thùy, Trang Hý cũng đua nhau bắt "trend". Nhiều ca sĩ, nhạc sĩ cũng tung hứng góp vui, thực hiện các clip biến tấu với nhiều phiên bản khác nhau. Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh với phiên bản miền Tây, Phạm Đình Thái Ngân biến Chị ong nâu và em bé thành phiên bản Muộn rồi mà sao còn, Orange, Suni Hạ Linh, Emma và nhiều nghệ sĩ khác cũng hát “Chị ong nâu nấu nầu nâu...” mỗi người một kiểu, kiểu nào cũng khiến khán giả cười.

Có nhiều ý kiến bình luận trái chiều nhau về các bản chế này "Chị ong nâu và em bé". Người thì cho rằng, bản chế "quá hay", "chị ong đi đâu thì không biết nhưng chắc chắn bản chế sẽ lên top trend". Tuy nhiên, có người lại cho rằng, "nhạc thiếu nhi giờ thành nhạc người lớn mất rồi", hay "nghe xong không biết nên vui hay buồn".....

Hình ảnh chụp từ bản chế "Chị ong nâu nấu nâu nấu nầu nâu"

Hình ảnh chụp từ bản chế "Chị ong nâu nấu nâu nấu nầu nâu"

Nhạc sĩ Lê Tâm chia sẻ, tuổi trẻ thì việc chế lời cho vui là chuyện bình thường. Các thế hệ trước đây có lẽ còn chế nhiều hơn gấp bội thế hệ 9X, 2K bây giờ. Thời gian khó nhất như trong kháng chiến cũng là thời nhiều nhạc chế nhất và chỉ để giải trí. Loại nhạc chế này vô hại và không xấu.

Để làm rõ hơn về điều này, nhạc sĩ Lê Tâm giải thích, chế vui thì trong chương trình "Gặp nhau cuối năm" rất nhiều. Thời SV96 cũng thoải mái lên hình. Bản thân chế chỉ là một phiên bản khác. Xấu hay không là do dụng ý của người chế. Những dạng được gọi là tiêu cực thì thường không vui mà mang tính rủa xả.

Hơn thế, trong chế ca khúc, nguyên tác không bao giờ mất. Bởi người ta chỉ chế những bài cực nổi tiếng, không ai mất công chế những bài vô danh. Gần đây nhất, trên truyền hình hay phát bài chế từ "Việt Nam ơi" của Minh Beta thành bài "Đánh bay Corona". Cũng có thể họ nhờ chính tác giả chế.

"Còn một loại nhạc chế đáng sợ hơn nhiều chính là dạng giả văn hoá. Thí dụ giả tạo dịch một ca khúc nhưng thực ra là bịa đặt lời Việt không liên quan gì đến nguyên tác cả. Cái đấy mới là rác thực sự. Thế là theo ca sĩ cùng album đi gieo rắc và tất nhiên phải có giấy phép. Đấy mới là cái nguy hiểm", nhạc sĩ Lê Tâm nói.

Như vậy có thể thấy rằng, nhạc chế không xấu, không đáng bị lên án và được coi là thảm họa âm nhạc. Chế nhạc để vui, làm cuộc sống bớt căng thẳng. Chính vì thế, nhạc chế sẽ mang lại tác dụng tốt cho người nghe nếu người chế có dụng ý tốt và ngược lại.