Chi ngân sách còn phân tán, gây lãng phí nguồn lực quốc gia

ANTĐ - Chiều nay (23-10), Quốc hội đã nghe các báo cáo và thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách 2013, dự toán ngân sách 2014; phương án phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) giai đoạn 2014-2016.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, dự kiến thu ngân sách năm 2013 đạt 790.800 tỷ đồng, giảm 25.200 tỷ đồng (-3,1%) so với dự toán. Trong đó thu từ dầu thô vượt 16.000 tỷ đồng nhưng thu nội địa hụt 15.500 tỷ đồng; từ xuất nhập khẩu hụt 25.700 tỷ đồng. Nếu loại trừ các khoản ghi thu ngân sách (38.400 tỷ đồng) thì thu cân đối ngân sách nhà nước đạt 752.300 tỷ đồng, giảm 63.600 tỷ đồng (-7,8%) so với dự toán, tăng 1,2% so với ước thực hiện năm 2012. Tỷ lệ động viên từ thuế, phí đạt 18,4% GDP. Tổng chi ngân sách nhà nước năm 2013 ước đạt 986.300 tỷ đồng, tăng 8.300 tỷ đồng tương đương 0,8% so với dự toán. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 đạt 5,3% GDP. Dư nợ công chiếm 56,2% GDP, trong giới hạn an toàn. Chênh lệch thu – chi khoảng 195.000 tỷ đồng, tăng 33.500 tỷ đồng so với mức bội chi Quốc hội đã quyết định.

Đánh giá về 3 năm (2011-2013) thu, chi ngân sách trong giai đoạn 5 năm (2011-2015), ông Dũng cũng cho biết, dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng do kinh tế khó khăn nên 3 năm qua tổng thu ngân sách chỉ đạt 52% so với kế hoạch 5 năm. Tỷ lệ thu thuế, phí so với GDP thấp hơn so với kế hoạch 5 năm và khó hoàn thành mục tiêu đề ra. Chi ngân sách cũng còn phân tán gây lãng phí nguồn lực quốc gia, nhiều nội dung chi còn chồng chéo, chi đầu tư xây dựng cơ bản dù được chấn chỉnh nhưng chưa khắc phục được dàn trải một cách triệt để, bội chi chưa giảm như mong muốn và khó đạt được mục tiêu đề ra là đến năm 2015 chỉ 4,5%...

Năm 2014, Chính phủ dự kiến thu cân đối ngân sách đạt 782.700 tỷ đồng, tỷ lệ huy động từ thuế, phí 17,2% GDP; dự toán chi khoảng 1.006.700 tỷ đồng. Bội chi dự kiến 5,3% tương đương khoảng 224.000 tỷ đồng. Đến hết năm 2014 nợ công khoảng 59,8% GDP.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển

Đánh giá về thu ngân sách năm 2013, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, cho biết, đa số ý kiến trong ủy ban cho rằng, trong khi tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 5,4% nhưng Chính phủ báo cáo số liệu hụt thu nội địa khá lớn. Do vậy, Chính phủ cần đánh giá đúng thực chất hơn về mức tăng trưởng kinh tế trong mối quan hệ với thu ngân sách, trên cơ sở đó rà soát lại về khả năng thu, tăng cường chống thất thu, xử lý nghiêm gian lận, trốn thuế; đôn đốc thu hồi nợ đọng để có số ước thu ngân sách tích cực hơn.

Dù thừa nhận hụt thu ngân sách do tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân nộp thuế gặp nhiều khó khăn; dự toán thu, chi ngân sách do Quốc hội quyết định khá cao; việc thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn một số khoản thu làm giảm thu ngân sách khoảng 16.600 tỷ đồng... nhưng ông Hiền cũng cho rằng, vẫn còn dư địa tăng thu từ việc tăng cường đôn đốc thu hồi nợ thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu; thu vào ngân sách một số khoản còn để ngoài ngân sách. “Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách, đồng thời bảo đảm bố trí đủ số tiền hoàn thuế GTGT năm 2013, không để phát sinh nợ mới”, ông Hiển nói.

Về chi, theo lãnh đạo Ủy ban Tài chính – Ngân sách, còn bộc lộ nhiều bất cập. Đó là trong khi thu ngân sách giảm nhiều nhưng chi đầu tư phát triển vẫn tăng; phân bổ, bố trí vốn xây dựng cơ bản chưa khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, thi công kéo dài, gây lãng phí nguồn lực. Vẫn còn nhiều dự án triển khai chậm tiến độ, phân bổ vốn không đúng cơ cấu, chương trình hỗ trợ được giao; còn tình trạng một số cơ quan, đơn vị thiếu kiên quyết trong cắt, giảm đầu tư công; khởi công dự án mới trái quy định.

Trước thực trạng ngân sách hiện nay, theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này nên sửa theo thông lệ quốc tế vấn đề liên quan đến ngân sách. Theo đó, Quốc hội phải làm dự toán và duyệt, phân bổ ngân sách và coi phân bổ ngân sách hàng năm như một luật và nếu không thực thi đúng là phạm luật nhằm tránh chi nhiều, vay mượn, tạm ứng. Bởi thực tế, ngân sách hiện nay nếu “căn ke ra rất phức tạp” mà thực trạng ngân sách nợ đọng đến hơn 90.000 tỷ đồng xây dựng cơ bản là ví dụ. “Hay vay ăn trước như TPCP khiến mỗi năm dồn lên một ít; rồi bội chi tăng; thu lại không có”, ông Kiêm nói.