Chỉ một trận ốm là... sạt nghiệp

ANTĐ - Một bộ phận khá đông người dân nước ta dù đã thoát nghèo song vẫn đang sống rất gần với ngưỡng nghèo. Chỉ cần một trận ốm đau, bệnh tật kéo dài hoặc tai nạn rủi ro là... sạt nghiệp(!) Họ sẽ nhanh chóng bị tái nghèo bởi gánh nặng chi phí y tế quá cao.

Người bệnh đang chịu gánh nặng chi phí y tế quá cao

Người bệnh tự trả gần 50% chi phí

Đây là số liệu được công bố tại Hội nghị về tài chính y tế hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn dân, do Bộ Y tế và Hội Khoa học kinh tế y tế vừa tổ chức ở Hà Nội. Hội nghị này tập trung bàn thảo, tìm giải pháp để giảm tỷ lệ tự chi trả các chi phí y tế từ tiền túi của người bệnh. Hiện tại ở nước ta, người bệnh vẫn đang phải tự chi trả gần 50% tổng chi phí cho các dịch vụ y tế. Một khảo sát được thực hiện tại 33 quốc gia có mức thu nhập thấp (trong đó có Việt Nam) cho thấy, tỷ trọng chi phí từ tiền túi cho y tế của người dân Việt Nam quá cao, gần gấp đôi mức trung bình của thế giới. GS.TS Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, với cơ chế tài chính hiện tại, nhiều người dân bị rơi vào “bẫy nghèo” chỉ sau một trận ốm nặng, kéo dài. Mức chi trả từ tiền túi người bệnh chiếm khoảng 20 - 30% tổng chi y tế sẽ là hợp lý. 

Cũng vì gánh nặng viện phí như vậy khiến người nghèo ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao. Phần lớn họ chỉ dám sử dụng các dịch vụ y tế tuyến cơ sở. Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh -Bộ Y tế, tại nước ta, chi phí một ngày điều trị nội trú ngoại khoa vào khoảng 101,72 USD, một ngày điều trị nội khoa là 20,08 USD. Điều tra cũng cho thấy số người nghèo sử dụng dịch vụ nội trú tại BV tuyến tỉnh là 23%, trong khi người giàu là 51%. Tại các BV lớn ở Trung ương, chỉ có 3,9% người nghèo sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao. Hiện tỷ lệ sử dụng dịch vụ y tế ở nhóm người nghèo thấp hơn nhóm người giàu từ 2,5 - 4,5 lần.

Không chỉ tiếp cận dịch vụ y tế ở mức thấp mà gánh nặng chi phí y tế dồn lên vai người nghèo cũng nặng nề nhất trong các nhóm dân cư. Có tới gần 60% số hộ gia đình nghèo mắc nợ do chi phí khám chữa bệnh và 67% phải vay mượn tiền để chi trả điều trị nội trú. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế đánh giá, đổi mới cơ chế tài chính hợp lý để giảm tỷ lệ tự chi trả từ tiền túi của người bệnh vừa là mục tiêu, cũng là động lực và trách nhiệm mà ngành y tế phải giải quyết. Trong đó, giải pháp tốt nhất chính là thực hiện  BHYT toàn dân.

Tài chính y tế phải công khai

Những năm qua, chủ trương xã hội hóa y tế được Bộ Y tế triển khai mạnh mẽ, đã góp phần làm thay đổi diện mạo, bộ mặt của các BV, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế nói chung. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng các loại hình xã hội hóa y tế, khi không được kiểm soát chặt chẽ, cũng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, trong đó phổ biến nhất là tình trạng lạm dụng dịch vụ để tận thu tiền túi của người bệnh. Ông Phạm Lê Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế cho biết, tính đến hết năm 2011, cả nước đã có 65.000 phòng khám đa khoa, chuyên khoa và 133 BV tư nhân hoạt động. Tại hầu hết các BV công, đã ra đời các khoa khám bệnh theo yêu cầu, khám dịch vụ, chất lượng cao. 

Các chuyên gia kinh tế y tế phân tích, việc xã hội hóa y tế trong các BV, dù là liên doanh liên kết máy móc hay thành lập các phòng khám tự nguyện, thực chất chính là hình thức dịch vụ của tư nhân trong BV công. Do vậy, các khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu dễ trở thành “sân sau” của chính các BV công, dẫn đến tiêu cực trong sử dụng cơ sở vật chất và nhân lực công cho các hoạt động tư. Rồi việc cho tư nhân liên kết lắp đặt máy móc chiếu chụp, xét nghiệm hiện đại, đắt tiền vào trong các BV công, trong quá trình tự chủ nếu không được kiểm soát, có thể dẫn đến lạm dụng dịch vụ, lạm dụng chỉ định chiếu chụp xét nghiệm không thực sự cần thiết, làm tăng chi phí của người bệnh.

Theo các chuyên gia, việc xã hội hóa là chủ trương đúng đắn nhưng cần minh bạch, tránh nhập nhèm công - tư, nên xã hội hóa “ngoài khuôn viên” của BV công hoặc ít nhất cũng phải có cơ chế tách bạch để người dân không bị phân biệt đối xử trong các BV có dịch vụ này.

TS. Nguyễn Hoàng Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế phân tích, việc bảo vệ tài chính đối với đối tượng được BHYT còn thấp một phần chính là do các BV lạm dụng các xét nghiệm. Nếu cải thiện được tình trạng này, đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người bệnh BHYT, thì độ bao phủ BHYT toàn dân chắc chắn sẽ tăng nhanh. Khi đó, người bệnh cũng sẽ không phải luẩn quẩn với “bẫy nghèo” do gánh nặng viện phí.