Nghệ sỹ Trần Hạnh:
Chỉ mong một lần nhận vai sung sướng
(ANTĐ) - Nếu như tôi không đến nhà ông, nếu như tôi không được chứng kiến một cách tường tận gia cảnh nhà ông, thì có lẽ không bao giờ tôi hiểu được người nghệ sỹ này. Ngồi uống trà đá với tôi ở một quán nước vỉa hè đầu con ngõ gần nhà ông ở sau ga Trần Quý Cáp, tôi lại bắt gặp một Trần Hạnh hoàn toàn khác.
Không nhìn thấy sự khổ đau, không nhìn thấy nỗi bất hạnh trên gương mặt của ông, trong khi những người hàng xóm gọi ông là nghệ sĩ nước gạo, ông khổ hạnh, chứ không phải là ông Trần Hạnh mà khán giả đã quá quen mặt trên màn ảnh. Một Trần Hạnh của những lo toan cuộc sống đời thường và một Trần Hạnh nghệ sĩ trước công chúng có gì khác nhau chăng? Nhìn ông, tôi lại nhớ đến nhân vật Kép Tư Bền trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan.
Anh Kép bôi son, quẹt phấn bước ra sân khấu mà trong lòng rầu rĩ bởi người cha đang ốm thập tử nhất sinh ở nhà. Nghệ sĩ Trần Hạnh còn khổ hơn cả anh Kép nữa, 80 tuổi vẫn rong ruổi đi diễn khắp nơi mà ngay cả trên sân khấu cũng không mấy khi ông được cười, cũng không mấy khi ông được làm một người sung sướng dù đó chỉ là vai diễn trong chốc lát.
Nhiều người nói rằng phim đã vận vào đời ông vì ông toàn đóng vai khổ hạnh, nông dân khổ, cán bộ khổ, ông bố khổ. Họ bảo Trần Hạnh đóng phim thì không cần phải hóa trang, không cần phải diễn, ngoài đời ông khổ thế nào, thì cứ bước vào phim như thế. Ở ngoài đời ông quạt than thế nào thì trong phim ông cũng làm như thế, ở ngoài đời ông đi đôi giày rách thế nào thì trong phim ông cũng như vậy.
Mấy bà hàng nước nói với tôi: Ở trên đời này, tôi chưa thấy một ông nghệ sĩ nào khổ như ông ấy, cái áo bay ông mặc mấy chục năm trời, đôi giày cũ người ta không đi nữa còn ông thì mang về dùng. Vợ con đau ốm nằm một chỗ, nhưng chưa thấy ông kêu ca một tiếng nào. Tôi không thấy nghệ sĩ Trần Hạnh khóc vì cuộc đời mình, nhưng tôi đã nhìn thấy nước mắt của những người hàng xóm. Họ xót xa cho ông.
Nghe hàng xóm nói vậy, nghệ sĩ Trần Hạnh chỉ khẽ cười, cười rất bình thản, rồi ông rít một hơi thuốc thật dài, nghênh cái đầu lên nói thủng thẳng: Chả phải phim vận vào mình đâu, có mình vận vào phim thì có. Rồi ông dựa vào tường ngẫm nghĩ, nhìn những người xung quanh.
Nghệ sĩ Trần Hạnh và những vai diễn khổ hạnh |
Có lẽ ở cái khu phố Trần Quý Cáp này, người ta đã quen với hình ảnh ông Trần Hạnh ngồi trầm tư hút thuốc nơi đầu phố. Ông chỉ ngồi hút thuốc thôi, không trò chuyện, không giãi bày, nhưng có lẽ lúc ấy là lúc ông được thảnh thơi nhất. Còn tôi, khi nhìn ông ngồi tư lự hút thuốc tôi lại hình dung ra một ông Trần Hạnh đời thường ngồi lặng lẽ ở góc nhà, bên giường bệnh của vợ.
Bà ốm liệt giường đã nhiều năm nay, mọi sinh hoạt đều ở trên giường. Tôi lại hình dung ra hình ảnh người con trai út của ông chạy lật đật lên xuống bậc cầu thang hẹp trong căn nhà rộng chừng 10 mét vuông. Quãng chục năm nay, anh bị tai nạn, rồi đâm ra thẫn thờ, nhớ nhớ quên quên. Trong căn nhà ấy, không có gì đáng giá ngoài tấm bằng Tổ quốc ghi công đặt trong cái tủ đã bong tróc.
Ông nói đó là chú ông, ông ấy là liệt sĩ. Mọi thứ đều cũ kỹ và ẩm mốc, bộ salong gỗ mà bây giờ chả thấy ai dùng, đã rách toạc cái bọc mút, chiếc tivi từ đời nào, hình như là tivi đen trắng, một chiếc xe đạp cà tàng, một chiếc xe máy tòng tọc, con gái ông cho, mà ông đã rong ruổi với nó khắp các tỉnh, thành để đóng phim kiếm sống. Mọi thứ trong nhà ông đều cũ rích và tạm bợ, ngay cả đến giấc ngủ của ông cũng chỉ là tạm bợ.
Nghệ sĩ Trần Hạnh không muốn ai đến thăm nhà có lẽ ông không muốn ai biết nỗi khổ đau của riêng mình. Kịch bản, báo chí, tiếp khách, mọi việc cần liên hệ với ông đều ở ngoài quán nước. Hôm đó, không thấy ông ở ngoài quán, tôi tìm vào tận nhà, thấy anh con trai út ra mở cửa. Chắc cũng vì không bình thường, nên chả cần hỏi tôi ở đâu, anh chỉ thẳng lên gác.
Tôi lần theo cầu thang hẹp trong căn nhà vắng lặng, buồn, tối. Căn nhà có người ốm nhiều năm vẫn thường u ám như vậy! Bà nằm trên giường bệnh, người gầy khô, tóc bạc trắng, toàn thân bất động, chân tay lẩy bẩy, chỉ có đôi mắt là đưa đi đưa lại, nói năng nghều ngào, nghe không rõ. Tôi không dám ngồi bên bà lâu hơn nữa, vì sợ bà tủi thân lại khóc, người ốm vẫn thường như vậy.
Bước lên mấy bậc cầu thang, nghệ sĩ Trần Hạnh đang nằm nghỉ trên một chiếc giường nhỏ, nói đúng ra là trên một chiếc dát giường và một chiếc chăn được ông dùng vừa làm chiếu. Sợ làm ông thức giấc, tôi lặng lẽ bước xuống cầu thang và chờ đợi trong căn phòng chật chội văng vẳng tiếng kêu khóc của bà.
Một lúc sau, ông bước xuống. Ông nói với tôi, mệt quá thiếp đi mất. Tôi hỏi ông, một ngày của bác bắt đầu thế nào thì ông nói: Ừ thì, ngồi trông bà ấy đến 11h đêm, đến khi cô con dâu thay ca, cho bà ấy ăn miếng cháo, thì mình tranh thủ đi nghỉ.
Sáng sớm việc đầu tiên là phải xem bà ấy thế nào, rồi giặt giũ, cơm nước, rồi lại ra trông hàng đỡ cho con dâu. Thỉnh thoảng lại lôi mấy cái kịch bản cũ ra đọc, đọc chán lại ra quán nước ngồi. Ngồi với tôi một lúc, ông lại vội vàng: thôi nhé, tôi phải về đây, còn một đống quần áo đang chờ tôi ở nhà. Nói rồi ông lẳng lặng bước đi về căn nhà chật hẹp, ẩm mốc, buồn.
Vào nghề sân khấu từ năm 1959 đến nay, ngày đi làm giày, tối đi tập kịch. Hôm nào đi diễn trên xe cũng tòng teng hai thùng nước gạo, diễn xong lại về xin nước gạo nuôi lợn. Đến năm 1989 nghỉ hưu từ Đoàn Kịch Hà Nội, ông lại tham gia đóng phim. Đã mấy chục năm trong nghề, hết sân khấu, rồi điện ảnh, vinh quang cũng nhiều, bằng khen cũng lắm, phim nhựa, phim truyền hình nếu hỏi đóng bao nhiêu thì ông cũng không nhớ nổi nữa.
Nghề chẳng thể làm cho ông đủ sống, nhưng chưa khi nào ông thấy chán nghề, bỏ nghề. Đến bây giờ khi đã đi gần hết cuộc đời của một con người, cũng như đi quãng đường quá dài của nghề rồi nhưng ông vẫn ao ước được các đạo diễn mời ông vào một vai sung sướng và là vai phản diện thì càng tốt. Ông còn nói vui rằng: “Nếu được như vậy tôi chỉ xin nhận một nửa tiền cát-sê”.
Con người ông là như thế đấy, ông nghèo, đến mức không thể nghèo hơn được nữa, ông thiếu tiền nhưng lại không cần tiền. Con người ông vẫn có cái cao đạo của một người nghệ sĩ sinh vi nghệ, tử vi nghệ, cái cao đạo mà nhiều kẻ có tiền cũng không mua được. Thiếu tiền thật, nhưng không phải phim nào ông cũng nhận lời. Mấy phim thấy làm chớt chát qua loa thì ông cũng từ chối thẳng thừng.
Song suốt cuộc đời đóng phim của nghệ sĩ Trần Hạnh, có một bộ phim mà ông tâm đắc nhất đó là phim “Cuốn sổ ghi đời” của đạo diễn Tất Bình. Phim kể về nỗi đau của một người cha, vì nhà quá chật không có chỗ cưới vợ cho con và cũng chính vì nhà chật mà các con không lấy được vợ.
Thương con quá, ông đã đi nhặt từng mẩu thuốc lá, từng vỏ lon bia với hy vọng bán đi mua đất làm nhà. Nhưng đến khi chết, ông vẫn không kiếm đủ tiền mua nhà. Ông chết mà chẳng để lại được gì cho các con ngoài những dòng chữ ghi tất cả số tiền mà ông đã gom góp được trong cuốn sổ ghi đời!
Đời ông cũng đã là một bộ phim!
Đinh Hương Bình