Chỉ định không đúng, các bệnh viện Hà Nội bị từ chối chi trả 12,6 tỷ đồng BHYT

ANTĐ -Đây là thông tin được ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội cho biết tại buổi làm việc của Bộ Y tế với UBND TP Hà Nội, về triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và giảm quá tải bệnh viện, sáng 10-3.

Tỷ lệ bao phủ BHYT của Hà Nội đã đạt 71,6% dân số

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội do ông Nguyễn Đức Hòa trình bày, đến hết năm 2014, Hà Nội có 5,08 triệu người có thẻ BHYT, đạt 71,6% dân số Thủ đô. Việc tổ chức khám chữa bệnh BHYT của Hà Nội luôn gắn liền với việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, Hà Nội cũng đã có nhiều giải pháp nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ y tế tuyến cơ sở, tạo điều kiện và mở rộng mạng lưới y tế tư nhân tham gia khám chữa bệnh BHYT.

Cùng đó, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác giám định BHYT và thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân BHYT, tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người bệnh BHYT khi đi khám chữa bệnh. Năm 2014, Hà Nội đã đảm bảo quyền lợi BHYT cho hơn 7,3 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT, với tổng chi phí ước 3,7 tỷ đồng, quỹ BHYT có kết dư.

Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra vướng mắc trong thực hiện Luật BHYT cũng được TP quan tâm đẩy mạnh, góp phần phòng chống hành vi gian lận, trục lợi quỹ BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh. Năm qua, BHXH TP đã kiểm tra 114 cơ sở khám chữa bệnh BHYT của Thủ đô, qua kiểm tra đã từ chối chi trả hơn 12,6 tỷ đồng, chủ yếu do chỉ định dịch vụ kỹ thuật không đúng; kịp thời giải quyết nhiều đơn thư, khiếu nại của đối tượng tham gia BHYT; ngăn chặn không để xảy ra tình trạng lạm dụng dịch vụ kỹ thuật, thuốc, trục lợi quỹ BHYT.

Cũng trong quá trình triển khai Luật BHYT sửa đổi, bổ sung trên địa bàn TP từ đầu năm 2015 đến nay đã nảy sinh nhiều vướng mắc, khó khăn. Theo lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, Hà Nội đặt kế hoạch tới 2016, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 78%, 2017 đạt 80,5%, 2020 đạt 85%.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đề xuất Bộ Y tế một số giải pháp để nâng cao chất lượng y tế Thủ đô

Để đạt được mục tiêu này, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Y tế xem xét hỗ trợ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, tăng chỉ tiêu đào tạo bác sĩ; hỗ trợ kỹ thuật trang thiết bị hỗ trợ chuyển giao công nghệ kỹ thuật cao cho các bệnh viện Hà Nội triển khai các kỹ thuật đầu ngành, mũi nhọn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bệnh viện trung ương cơ sở 2 nhằm giãn bệnh nhân ra ngoài khu vực nội đô…

Tại buổi làm việc, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế cho biết, để hướng đến BHYT toàn dân thì quan trọng nhất là chất lượng khám chữa bệnh, nếu chất lượng khám chữa bệnh không tốt thì người bệnh dù có thẻ BHYT cũng không dùng đến mà sẵn sàng bỏ tiền đến nơi chất lượng điều trị tốt hơn.

Liên quan đến đề xuất của Hà Nội về giá viện phí, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, trong năm nay, Bộ Y tế phối hợp cùng Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam sẽ xem xét, tính toán điều chỉnh giá viện phí lên một mức nữa, theo hướng sẽ bổ sung thêm một yếu tố nữa trong 7 yếu tố cấu thành giá viện phí. Hiện tại, dù giá viện phí đã được điều chỉnh song mới chỉ tính 3/ 7 yếu tố cấu thành giá viện phí, 4 yếu tố còn lại vẫn được Nhà nước bao cấp.