Chỉ đặt mục tiêu phấn đấu có huy chương tại Olympic 2016

ANTĐ - Đó là khẳng định của ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, trong cuộc trao đổi với phóng viên ANTĐ sau khi thể thao Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu số lượng suất dự Olympic 2016.

Chỉ đặt mục tiêu phấn đấu có huy chương tại Olympic 2016 ảnh 1Các VĐV sẽ được đầu tư mạnh ở giai đoạn nước rút Olympic 2016

- PV: Với tấm vé mới nhất của đội đua thuyền, thể thao Việt Nam đã sớm hoàn thành chỉ tiêu giành từ 15-20 suất tham dự Olympic 2016 diễn ra vào đầu tháng 8 tới. Ông đánh giá như thế nào về kết quả này?

- Ông Trần Đức Phấn: Con số này khá sát với dự báo của ngành thể thao khi lên kế hoạch chuẩn bị chiến dịch Olympic 2016. Thời gian tới, chúng ta còn cơ hội có thêm những suất tới Brazil khi các môn judo, cầu lông tham gia các giải vòng loại. Riêng ở cầu lông, với số điểm hiện tại, nam VĐV Nguyễn Tiến Minh chắc chắn có suất, chỉ còn chờ công bố chính thức từ ban tổ chức Thế vận hội. Nữ tay vợt Vũ Thị Trang cũng có tới 75% cơ hội dự đại hội và 25% còn lại phụ thuộc vào kết quả thi đấu các giải sắp tới. Ở môn điền kinh, VĐV Nguyễn Thị Huyền đã đạt 3 chuẩn B và đang chờ xét duyệt. Với 16 vé chính thức có ở thời điểm này, chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ có 18 suất dự Olympic 2016, bằng với số lượng ở kỳ Thế vận hội 4 năm trước.

Chỉ đặt mục tiêu phấn đấu có huy chương tại Olympic 2016 ảnh 2

- Một số VĐV được kỳ vọng nhưng rốt cuộc lại thất bại trong khi có những VĐV không được đầu tư trọng điểm lại đoạt vé. Lãnh đạo ngành thể thao giải thích thế nào về những trường hợp này?

- Đúng là có những VĐV không được đầu tư trọng điểm đã xuất sắc có vé tới Brazil như Nguyễn Thành Ngưng (điền kinh), hay Nguyễn Thị Như Hoa (đấu kiếm). Việc taekwondo lần đầu sau 16 năm vắng mặt tại Olympic cũng không phải quá bất ngờ. Trong số 28 suất dự Olympic 2016 của môn  taekwondo, hiện châu Á mới chỉ có một vài cái tên. Điều đó cho thấy sự khắc nghiệt ngày một lớn của môn này ngay từ vòng loại. Cùng với đó, quy định tuyển chọn VĐV dự Olympic cũng ngày càng khắt khe hơn. Điều này là phù hợp với sự phát triển chung của thể thao thế giới.

Cũng giống taekwondo, các môn như xe đạp, bắn cung, boxing cũng được điền vào danh sách đầu tư trọng điểm nhưng chúng tôi đánh giá là rất khó khăn và việc các môn này đều “trượt” từ vòng loại Olympic cũng không có gì bất ngờ. Trong thể thao, mọi tính toán chỉ là tương đối, không ai dám chắc 100% VĐV A sẽ có vé, VĐV B thì không. Song tới thời điểm này, tôi có thể nói dự báo của ngành thể thao về số lượng VĐV dự Olympic nằm trong sai số cho phép. 

Chỉ đặt mục tiêu phấn đấu có huy chương tại Olympic 2016 ảnh 3

- Từ nay tới khi Olympic 2016 khởi tranh còn hơn 3 tháng, ngành thể thao có kế hoạch thế nào cho các VĐV đã giành suất tham dự?

- Chúng tôi đã yêu cầu các bộ môn xây dựng kế hoạch chuẩn bị giai đoạn nước rút cho các VĐV dự Olympic. Cơ bản tập trung vào 2 vấn đề: một là, có cần thuê chuyên gia ngoại hay không; hai là, có tập huấn nước ngoài không. Bên cạnh đó chúng tôi cũng sẽ đề xuất tăng tiền ăn, tiền công cho cả VĐV và HLV trong thời gian chuẩn bị cho Olympic để họ yên tâm cống hiến. Trong tuần này, lãnh đạo Tổng cục TDTT và các bộ môn có VĐV dự Olympic sẽ làm việc để có kế hoạch cụ thể. Đa số các bộ môn đều đề xuất tăng kinh phí. Chúng tôi cũng hứa sẽ làm hết khả năng để VĐV có thành tích tốt nhất tại Olympic 2016 tới.

Chỉ đặt mục tiêu phấn đấu có huy chương tại Olympic 2016 ảnh 4

- Chỉ tiêu về số lượng đã đạt. Vậy còn chỉ tiêu về chất lượng - phấn đấu giành HCV, ông dự báo thế nào?

- Ngành thể thao chỉ đặt mục tiêu phấn đấu có huy chương Olympic 2016 chứ không đặt cụ thể là HCV vì thực lực hiện tại của chúng ta có hạn, cần phải nhìn nhận rất thực tế. Cử tạ và bắn súng vẫn là 2 bộ môn gánh trọng trách mang huy chương về cho đoàn. Tuy nhiên cơ hội của bắn súng thấp hơn.

- Các VĐV rất tâm tư bởi hiện vẫn chưa có cơ chế thưởng cho đối tượng giành vé Olympic, dù ai cũng biết đạt thành tích này khó hơn HCV SEA Games (nhận thưởng 45 triệu đồng). Ngành thể thao có giải pháp gì để giúp VĐV yên tâm thi đấu?

- Chúng tôi đã giao Viện Khoa học thể thao xây dựng lại chính sách cho VĐV thể thao thành tích cao, trong đó có đề cập tới đối tượng đoạt vé Olympic. Tuy nhiên việc điều chỉnh cần có thời gian, vì còn phải trình xin ý kiến và chờ các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Xin cảm ơn ông!