Chỉ còn một gia đình làm gốm Thổ Hà

ANTĐ - Là một trong 3 trung tâm gốm sầm uất nhất vùng Châu thổ sông Hồng, gốm Thổ Hà là thương hiệu gốm nổi tiếng được nhiều người biết đến bởi những sản phẩm truyền thống mang đậm hồn quê. Tuy nhiên, làng gốm này đang dần bị mai một…

Những chiếc chum vại Thổ Hà tồn tại mấy trăm năm

Vang bóng một thời

Làng Thổ Hà thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang nằm bên hữu ngạn sông Cầu, 3 mặt là sông nước và thường xuyên bị ngập lụt. Người dân nơi đây không có ruộng để cấy hái nên sống chủ yếu bằng nghề làm gốm, làm rượu, làm bánh đa... Trong đó, làm gốm là nghề truyền thống lâu đời, đảm bảo cuộc sống tốt nhất cho người dân. 

Trước kia gốm Thổ Hà đã đi sâu vào từng ngóc ngách sinh hoạt của người dân Bắc bộ, từ chiếc chum đựng thóc, làm mắm cho đến những chiếc tiểu sành, hay những vật dụng cần thiết trong cuộc sống hằng ngày. Gốm Thổ Hà được nung bởi một loại đất đặc biệt, không cần dùng men. Đây cũng chính là điểm khác biệt so với những loại gốm khác, bởi dù chôn xuống đất hay ngâm trong nước hàng trăm năm nó vẫn giữ được màu như lúc mới ra lò. Đây cũng chính là lý do khiến những sản phẩm gốm Thổ Hà ngày càng trở nên nổi tiếng. 

Hiện nay, gia đình duy nhất còn duy trì nghề gốm ở Vân Hà đó là bà Trịnh Thủy Tiên, 10 đời theo nghề gốm. Bố của bà là cố nghệ nhân Trịnh Đắc Tân. Bà Tiên tâm sự, vì yêu nghề và nhìn thấy khả năng phát triển của nghề gốm trong tương lai nên trước khi qua đời, cụ đã dặn dò con cháu phải duy trì nghề gốm. Chính vì lời trăng trối của cha mình nên bà Tiên và những người trong gia đình đang khôi phục nghề gốm gia truyền.

“Cũng có nhiều người ngăn cản bởi làm nghề này rủi ro rất cao nhưng để thực hiện tâm nguyện của cha nên tôi cố gắng duy trì dù thời gian đầu còn rất nhiều khó khăn, từ vốn, cơ sở vật chất…”- bà Tiên bộc bạch.

Cũng theo bà Tiên, nhiều khi bà cũng nhận được không ít đơn hàng nhưng do quy mô sản xuất của gia đình quá nhỏ, một lò mỗi lần nung chỉ được khoảng 18 - 20 chiếc tiểu nên không thể đáp ứng được  nhu cầu của khách hàng. Nếu vào mùa mưa bão, làng chìm trong nước thì lại phải ngưng sản xuất một thời gian. Bên cạnh đó, không phải lần nung nào cũng thành công do màu sắc và chất lượng không đạt…

Lò gốm duy nhất còn lại của làng bị nước ngập

Trên đà mai một

Thời điểm này đến làng gốm Thổ Hà, du khách không còn nhìn thấy nhiều lò gốm như trước kia, thay vào đó là những phên bánh đa được người dân phơi hai bên lề đường. Cụ Nguyễn Đình Oánh, 90 tuổi, ban quản lý di tích lịch sử làng Thổ Hà cho biết: “Trước kia làng có khoảng 400 hộ làm gốm, nhưng hiện tại làng chỉ còn duy nhất 1 hộ theo nghề này. Mất nghề lại không có ruộng để cấy nên người dân trong làng lao đao, xoay đủ nghề để kiếm sống như làm bánh đa, làm miến hoặc đi buôn bán… Nếu trước kia nung 1 lò gốm có thể đủ ăn cả năm thì hiện nay làng chuyển sang nghề khác  với thu nhập ít ỏi, nhiều gia đình vẫn đang trong tình trạng đói kém”. 

Nguyên nhân của hiện trạng này là vào những năm 80 của thế kỷ trước, những sản phẩm đồ nhựa đã được người dân chuộng sử dụng vì vừa nhẹ vừa rẻ. Những sản phẩm như chum vại bằng sành vừa to, vừa nặng nên rất khó bán, do vậy xí nghiệp làm gốm giải thể. Người dân chuyển sang nghề làm bánh đa với số vốn ít, quay vòng vốn nhanh, rủi ro ít. 

Cụ Cáp Trọng Tuất ( 80 tuổi, nghệ nhân của làng gốm Thổ Hà) chia sẻ, cách đây một năm cụ cũng đã từng khôi phục làng nghề nhưng do diện tích chật hẹp nên phải sản xuất ngay tại nhà. Tuy nhiên, làm được một thời gian thấy khói than, củi bốc vào nhà, rất độc hại nên cụ đành bỏ nghề. Dù trong làng còn rất nhiều gia đình muốn khôi phục nghề gốm nhưng vì không có đất để sản xuất nên họ cũng đành ngậm ngùi nhìn làng nghề dần đi vào quên lãng. “Mặc dù sản phẩm hiện nay tiêu thụ chậm, nhưng không có nghĩa là không tiêu thụ được vì nó có những đặc thù riêng mà những gốm khác không thể có được, vấn đề khó khăn nhất hiện nay vẫn là cơ sở vật chất để sản xuất gốm”- cụ Tuất chia sẻ. 

Đứng trước thực trạng mai một của làng nghề gốm Thổ Hà như hiện nay, cần phải có sự phối hợp đồng bộ từ các cấp chính quyền địa phương đến người dân làng gốm để có thể bảo tồn và duy trì phát triển làng nghề truyền thống,  đồng thời cũng đem lại cuộc sống ổn định cho người dân.