Liên hoan sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ IV-năm 2020:

Chỉ có sự đồng cảm mới làm nên những tác phẩm hay về người chiến sĩ Công an nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên hoan sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” lần thứ IV - năm 2020 đang diễn ra với cuộc tranh tài của các đoàn nghệ thuật ở cùng một đề tài mở về những người chiến sĩ giữ yên bình cho cuộc sống của nhân dân. Tại đây, nhiều thể loại và đề tài sẽ cùng khắc họa và thể hiện bản anh hùng ca của những người lính mặc sắc phục. 

Chỉ có sự đồng cảm mới làm nên những tác phẩm hay về người chiến sĩ Công an nhân dân ảnh 1Một cảnh trong vở kịch nói “Vẫn sống” do Nhà hát CAND dàn dựng

Đại tá Nguyễn Công Bảy, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác Chính trị (Bộ Công an), Phó Trưởng Ban tổ chức liên hoan: Hứa hẹn một kỳ hội diễn sân khấu có chất lượng

Chỉ có sự đồng cảm mới làm nên những tác phẩm hay về người chiến sĩ Công an nhân dân ảnh 2

So với 3 lần tổ chức trước đây, liên hoan sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ IV - năm 2020 có nguồn kịch bản phong phú. Các vở diễn đã khai thác được đa số các lĩnh vực của ngành Công an. Từ hình ảnh của người chiến sĩ tình báo, người chiến sĩ an ninh, hình ảnh của lực lượng cảnh sát phòng, chống ma túy, sự nỗ lực quyết tâm, hy sinh quên mình của lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng cho đến các đồng chí quản giáo, giám thị trại giam, cảnh sát hình sự, cảnh sát điều tra… đều được tìm hiểu, khai thác trong các tác phẩm.

Các vở diễn dự liên hoan năm nay có nhiều hứa hẹn tốt đẹp về chất lượng chuyên môn, có sự tham gia của đông đảo các tác giả, đạo diễn, diễn viên tài hoa. Trong quá trình diễn ra liên hoan, chúng tôi còn tổ chức tọa đàm cùng các nhà chuyên môn về xây dựng hình tượng người chiến sĩ CAND qua 4 kỳ liên hoan.

Qua các tác phẩm sân khấu, nhân dân sẽ hiểu thêm về cuộc sống, chiến đấu, lao động và học tập của cán bộ chiến sĩ CAND, từ đó chia sẻ, đồng cảm, đồng lòng cùng lực lượng CAND trong các lĩnh vực công tác, đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. 

Nhà biên kịch Minh Nguyệt (Nguyễn Thị Nguyệt): Sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ Công an nhân dân đã khơi gợi “tính kịch” rất rõ ràng

Chỉ có sự đồng cảm mới làm nên những tác phẩm hay về người chiến sĩ Công an nhân dân ảnh 3

Là một sĩ quan quân đội đang công tác tại Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhưng ở kỳ liên hoan sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ CAND”, tôi có 2 kịch bản được 4 đoàn nghệ thuật dàn dựng ở các thể loại: kịch nói, dân ca kịch, cải lương. Riêng kịch bản “Vụ án Am Bụt Mọc” của tôi được 3 đơn vị dựng thành 3 tác phẩm để tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” năm 2020. Kịch bản này từng đoạt giải B (không có giải A) trại sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” năm 2019 của Bộ Công an. 

Kịch kể về xung đột quan điểm giải quyết vụ án của hai cán bộ công an. Một bên vì thành tích của đơn vị mà muốn giải quyết nhanh gọn vụ án, còn một bên thì hết sức thận trọng, trăn trở khi vụ án còn phát sinh tình tiết mới. Sự xung đột giữa các nhân vật đã làm nổi bật hình tượng người cán bộ Công an dũng cảm bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, tôn vinh tấm gương tận tụy, tâm huyết với nhân dân. Đồng thời tác phẩm cũng phản ảnh sự hy sinh thầm lặng của không ít chiến sĩ cảnh sát hình sự trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để gìn giữ cuộc sống yên bình của nhân dân.

Có lẽ do cùng công tác trong lực lượng vũ trang nên tôi luôn có sự đồng cảm cùng cán bộ chiến sĩ Công an. Qua tìm hiểu, tiếp xúc, tôi thấy những người lính ấy cũng có cuộc sống riêng tư bình dị như tất cả mọi người và có những cảm xúc nghề nghiệp đặc thù. Chính điều ấy đã làm nên đời sống tinh thần phong phú của họ, khơi nguồn cảm hứng cho các tác giả xây dựng nhân vật trong tác phẩm, không khó và khô như mọi người vẫn nghĩ.

Tôi rất tâm đắc với nhiệm vụ quan trọng của lực lượng CAND, đó là giữ gìn sự bình yên của nhân dân. Chính vì sự bình yên ấy mà không ít cán bộ chiến sĩ Công an đã thầm lặng hy sinh cuộc sống riêng tư, kể cả tính mạng quý giá của mình để bảo vệ nhân dân. Đó là phẩm chất rất cao quý được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các cán bộ, chiến sĩ Công an cũng gặp không ít khó khăn, trắc trở… Những vấn đề ấy đã gợi mở “tính kịch” để các biên kịch khai thác nguồn cảm hứng khi xây dựng nhân vật trong tác phẩm của mình.

Đạo diễn Bùi Như Lai: Tập trung xây dựng hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân ở góc độ giữa con người với con người

Chỉ có sự đồng cảm mới làm nên những tác phẩm hay về người chiến sĩ Công an nhân dân ảnh 4

Ở kỳ liên hoan này, tôi có 2 vở kịch nói tham dự. Đó là vở “Tái sinh” của tác giả Nguyễn Toàn Thắng do trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh dàn dựng và vở “Vụ án Am Bụt Mọc”, tác giả Minh Nguyệt do Trung tâm Sân khấu và phát triển Hà Nội dàn dựng. Khi bắt tay vào dàn dựng 2 tác phẩm này, tôi thấy điều khó khăn nhất chính là nghiệp vụ của ngành Công an.

Cảnh sát điều tra có nghiệp vụ riêng, cảnh sát giao thông cũng có nghiệp vụ riêng… Để xử lý khó khăn này, chúng tôi đã mời những người làm việc trong ngành Công an làm cố vấn. Và khó khăn thứ hai chính là việc tránh lặp lại các vở diễn, lặp lại đề tài và lặp lại chính mình. Bởi ở liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ CAND đã ở mùa thứ tư, đã có nhiều vở diễn tôn vinh hình ảnh đẹp về những người lính mặc sắc phục. Để giải quyết khó khăn này không còn cách nào khác là phải tìm ra thủ pháp và đề tài mới, hấp dẫn hơn, mới mẻ hơn. 

Trên thực tế, nhiều người thường nghĩ, viết hay dựng vở về người chiến sĩ CAND sẽ là săn bắt cướp với những cảnh rượt đuổi đến nghẹt thở. Nhưng với tôi, trong vai trò của một đạo diễn, các vở tôi dựng đều đặc biệt quan tâm tới vấn đề con người như tâm tư, tình cảm với gia đình, xã hội, với các loại tội phạm. Đặc biệt, trong bối cảnh mà các loại tội phạm gia tăng, cán bộ chiến sĩ Công an sẽ đối mặt như thế nào.

Những cảnh vây bắt tội phạm do tôi dàn dựng không hề có tiếng súng mà là giải quyết các vấn đề giữa con người với con người. Khi giải quyết tốt vấn đề này, sẽ làm những người lầm lỗi nhận ra các giá trị nhân văn, hướng tới sự thức tỉnh. Và đây cũng là nhiệm vụ của văn học nghệ thuật nhằm đem cái đẹp đến cho khán giả. 

Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ IV - năm 2020 diễn ra từ ngày 16-7 đến 2-8 tại Hà Nội. Đêm trao giải sẽ diễn ra vào lúc 20h tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ. Liên hoan có sự tham dự của 33 vở diễn thuộc 27 nhà hát, đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước đăng ký dự thi, gồm các thể loại: kịch nói, chèo, cải lương, dân ca kịch và nhiều hơn 7 vở so với liên hoan tổ chức năm 2015.