“Chỉ có 1% hy vọng cũng đốt”

ANTĐ - Là một cuộc chơi tự nguyện, triển lãm tranh tại Nghĩa trang Trường Sơn kêu gọi sự tham gia đóng góp tác phẩm của các họa sỹ trên toàn quốc với luật chơi: toàn bộ số tranh trưng bày sẽ đem hóa để gửi đến các liệt sỹ ngay sau lễ cầu siêu do Hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị tổ chức.

“Nụ cười chiến thắng”- NSNA Đoàn Công Tính 

“Trần sao âm vậy”

Do họa sỹ Trần Nhật Thăng tổ chức, triển lãm tranh tại Nghĩa trang Trường Sơn hoàn toàn mang tính tự nguyện và phi lợi nhuận. Ngoài những yêu cầu về kích thước tranh để tiện cho quá trình vận chuyển, thì việc chấp nhận các tác phẩm của mình sẽ đem hóa để gửi tới vong hồn các liệt sỹ thực sự khiến nhiều họa sỹ e ngại. Đa phần các ý kiến tại các diễn đàn mỹ thuật đều ủng hộ việc tổ chức triển lãm tranh tại Nghĩa trang Trường Sơn. Tuy vậy, việc hóa tranh gặp rất nhiều trở ngại từ luồng ý kiến: các tác phẩm nghệ thuật sau khi trưng bày có thể đem bán đấu giá, làm từ thiện giúp đỡ các gia đình liệt sỹ đang còn gặp nhiều khó khăn hơn là đem đốt. Như thế, cuộc triển lãm sẽ thiết thực hơn với đời sống con người hiện tại. Thế nhưng, họa sỹ Trần Nhật Thăng lại xuất phát từ một ý nghĩ giản đơn và gần với đời sống tâm linh của người Việt Nam, đó là “trần sao âm vậy”. 

Theo họa sỹ Trần Nhật Thăng, việc làm từ thiện rất tốt và có ý nghĩa, tuy vậy, việc bán tranh không hẳn là một công việc dễ dàng trong giai đoạn thị trường mỹ thuật đang ảm đạm như hiện nay. Hơn nữa, cuộc triển lãm này là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Các thế hệ họa sỹ hôm nay sẽ được tri ân với người đã ngã xuống thông qua những bức tranh được hóa gửi tặng các anh hùng liệt sỹ. Cuộc triển lãm có thể coi là việc riêng của các họa sỹ với các liệt sỹ. Những ai có đức tin sẽ tham gia. Họa sỹ khẳng định như đinh đóng cột: “Cho dù chỉ có 1% hy vọng các liệt sỹ nhận được, tôi cũng đốt”. Trong khi các luồng dư luận còn chưa ngã ngũ thì vừa qua, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã có văn bản gửi Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Trị đề nghị giúp đỡ triển lãm. Tuy vậy, văn bản ghi rất rõ, Sở VH-TT&DL Quảng Trị sau khi xem xét nếu không có vấn đề gì mới cấp phép. 

Cuộc chiến vừa đi qua đã để lại những nỗi đau không bao giờ dứt

- Tranh ký họa chiến tranh của họa sỹ Phạm Lực 

Căn cớ xuất phát từ lịch sử

Riêng cá nhân ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm bày tỏ ý kiến cá nhân, ủng hộ việc hóa tranh. Ông cho biết “Đó là một ý tưởng tốt, tôi thấy việc hóa tranh rất gần với tâm linh người Việt Nam. Triển lãm nếu được tổ chức sẽ là một hành động tri ân tới các liệt sỹ đã anh dũng ngã xuống cho nền độc lập ngày nay”. Cho dù cuộc tranh luận diễn ra rất sôi nổi nhưng mấy ai biết căn cớ của cuộc triển lãm này được bắt nguồn từ những lý do lịch sử. Họa sỹ Trần Nhật Thăng là con trai đạo diễn Trần Văn Thủy, người nổi tiếng với rất nhiều bộ phim tài liệu chiến tranh tại Việt Nam. Những bộ phim làm về chiến tranh của người cha đã có ảnh hưởng rất lớn tới họa sỹ Trần Nhật Thăng. Đặc biệt, bộ phim “Tiếng vỹ cầm ở Mỹ Lai”, họa sỹ đã được gặp trực tiếp nhân vật chính của bộ phim, một cựu binh Mỹ khiến anh nhận thấy cuộc chiến tranh vừa đi qua thật nhiều đau thương. Phía bên kia chiến tuyến thì bị ám ảnh bởi những tội ác còn về phía ta thì mất mát thương vong quá lớn. Ngay cả khi đất nước hòa bình đã gần 40 năm, nỗi đau vẫn còn hiện diện đầy đủ sắc thái.

Chính vì vậy, để xoa dịu nỗi đau, một triển lãm thiên về tâm linh sẽ song hành cùng Lễ cầu siêu và Lễ cung nghinh tôn tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông tại Nghĩa trang Trường Sơn. Anh đã nung nấu ý tưởng thực hiện một cuộc triển lãm dành riêng cho các anh hùng liệt sỹ cách đây 20 năm. Đầu tiên là ý tưởng về triển lãm cá nhân nhưng sau Nhật Thăng thấy cuộc triển lãm sẽ ý nghĩa hơn nếu có nhiều người cùng chia sẻ và cùng tri ân với các liệt sỹ. Để chiều lòng người, họa sỹ cho biết “triển lãm sẽ dành một phần tranh để tặng Ban Quản lý Nghĩa trang Trường Sơn, một phần để tặng Bảo tàng tỉnh Quảng Trị. Toàn bộ phiên bản sẽ được đốt”. Triển lãm dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 6 và 7-4.