Chỉ chặt hạ những cây nguy hiểm trên đường Nguyễn Trãi

ANTĐ - Tại cuộc họp báo ngày 6-11, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, việc chặt hạ gần 100 cây xà cừ cổ thụ trên tuyến đường Nguyễn Trãi vừa qua là để phục vụ việc xây dựng hầm chui Thanh Xuân – Quốc lộ 6. Trong thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục thay thế các cây không phải cây đô thị, cây mục nát, nguy hiểm trên tuyến đường này.

Chỉ chặt hạ những cây nguy hiểm trên đường Nguyễn Trãi ảnh 1Những cây xà cừ vừa bị chặt hạ trên đường Nguyễn Trãi là để phục vụ dự án
hầm chui Quốc lộ 6, khu vực nút giao Thanh Xuân

Đã cân nhắc kỹ trước khi thực hiện

Liên quan đến việc chặt hạ gần 100 cây xà cừ trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) được dư luận rất quan tâm, ông Trần Trọng Hiếu, Trưởng Phòng quản lý Hạ tầng, môi trường và công trình ngầm - Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc làm này là để phục vụ dự án xây dựng hầm chui Quốc lộ 6, khu vực nút giao Thanh Xuân (Bộ GTVT là chủ đầu tư).  Sở đã cấp chép chặt hạ gần 170 cây xà cừ và cây các loại, trong đó di chuyển 27 cây. Các chuyên gia cũng đánh giá xà cừ là loại cây có đường kính lớn, bóng mát tốt, nhưng rất dễ đổ vì rễ chùm, đặc biệt đối với những trường hợp trồng trên vỉa hè. Hàng năm các lực lượng liên ngành thường xuyên khảo sát, đánh giá rồi cắt tỉa, duy tu, duy trì. Trong quá trình cấp phép, Sở Xây dựng đã cân nhắc kỹ rồi báo cáo UBND TP để chỉ chặt hạ những cây nghiêng, mục nát ảnh hưởng đến ATGT. 

Không phủ nhận giá trị văn hóa của các cây cổ thụ lâu năm đã gắn bó với cuộc sống người dân, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cũng khẳng định khi khảo sát, các lực lượng chuyên môn luôn đánh giá đầy đủ các yếu tố lịch sử cũng như độ an toàn, đồng thời cho biết thời gian tới sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn.

Tiếp tục thay thế cây không phù hợp với đô thị

Ông Nguyễn Xuân Hưng - Phó Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà cho biết, trong tháng 11, công ty sẽ chặt hạ 275 cây không đúng chủng loại cây đô thị, cây cong nghiêng, sâu mục, mất an toàn trên tuyến đường Nguyễn Trãi  trong tổng số 597 cây được trồng trên hai bên vỉa hè, dải phân cách, trong đó có một số cây không thuộc loại cây đô thị do người dân tự trồng như  bàng, dướng, keo lá chàm, trứng cá… Đây là hoạt động theo sự chỉ đạo của UBND TP nhằm sắp xếp, chỉnh trang tuyến phố, tổ chức lại giao thông đồng bộ, góp phần thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị 2014” và nâng cao chất lượng của hệ thống cây bóng mát của tuyến đường, hướng tới sự phát triển của Thủ đô và phục vụ nhân dân tốt hơn.

Sau khi chặt hạ những cây xanh không đúng chủng loại, các đơn vị chức năng sẽ bổ sung ngay cây trồng thay thế. Cùng với đó, Sở GTVT hoàn thiện phương án tổ chức giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi, phân luồng, đảm bảo an toàn trong thời gian thực hiện thay thế cây xanh. 

Sở Xây dựng cũng cho biết, cơ quan này sẽ giám sát chặt để cây trồng thay thế đạt đúng tiêu chuẩn cao từ 6-8m, có đường kính thân lớn hơn 15cm và tán cây đảm bảo không ảnh hưởng đến tầm nhìn của người tham gia giao thông. 

Đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông

Về tiêu chuẩn đánh giá  mức độ nguy hiểm, ảnh hưởng tới an toàn giao thông của cây xanh cần phải chặt hạ, đại diện Phòng quản lý Hạ tầng, môi trường và công trình ngầm - Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Hiện nay Hà Nội có hơn 5.000 cây xanh, chủ yếu là xà cừ. Hàng năm dù Công ty công viên cây xanh thường xuyên duy trì công tác cắt tỉa, hạ độ cao, nhưng mỗi khi mưa bão, cây lâu năm, cây mục có thể đổ bất cứ lúc nào và thực tế đã có nhiều trường hợp cây đổ gây chết người. Qua công tác kiểm tra thường xuyên, những cây nguy hiểm là những cây có độ nghiêng từ 20 đến 30 độ hướng ra đường giao thông, tán lá rộng ảnh hưởng đến tầm nhìn… Có nhiều yếu tố để cân nhắc chặt hạ cây nhưng nhưngquan trọng nhất vẫn là phải đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.