Chi 400 USD để "bôi trơn" dịch vụ công

ANTĐ - Theo một báo cáo có tựa đề “Điều tra về dịch vụ công”  - tổng hợp kết quả của cuộc điều tra đối với 1.153 hộ gia đình của 9 quận/huyện tại Nepal do Tổ chức Minh bạch quốc tế tại Nepal (TI-N) thực hiện công bố, để xong một công việc liên quan đến dịch vụ công, người dân Nepal phải chi tới 25.000 Rs (khoảng 400 USD) tiền phí “làm việc” riêng với cán bộ tại các cơ quan Nhà nước. 

Chi 400 USD để "bôi trơn" dịch vụ công ảnh 1

Báo cáo của TI-N chỉ rõ, 25.000 Rs tiền phí “bôi trơn” để xong một công việc ở Cơ quan Thuế đất đai, tại Cơ quan Cải cách ruộng đất “giá” một đầu việc là 15.000 Rs và tại Cơ quan Điều tra đất đai là 5.000 Rs.

Báo cáo của TI-N cũng cho biết, xu hướng của các cơ quan hành chính Nhà nước tại Nepal là “không thể thực hiện dịch vụ công trong khung thời gian dự kiến” đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân. Cho nên, khi đến các văn phòng của các cơ quan hành chính Nhà nước, đưa tiền hối lộ để công việc được giải quyết nhanh chóng là chuyện không lấy làm lạ. TI-N đã liệt kê danh sách các cơ quan nơi những người đến đã phải trả các khoản tiền hối lộ khác nhau để “bôi trơn”. Theo đó, các khoản hối lộ dao động từ 100 - 25.000 Rs. Bên cạnh lĩnh vực đất đai, số tiền hối lộ trong ngành Tư pháp cũng tương đối cao, ở mức 10.000 Rs; cơ quan hành chính quận/huyện là 5.000 - 8.000 Rs.

TI-N cũng tiết lộ rằng, sự tham gia của bên thứ ba hoặc trung gian cũng đang xuất hiện tràn lan ngay tại văn phòng Chính phủ hay cơ quan Nhà nước. Hầu hết các cơ quan chính quyền đều không cung cấp dịch vụ công đúng thời hạn. Họ cố tình trì hoãn. Kết quả là, những người cần tới các dịch vụ công đều phải nhờ đến “bên thứ ba” hay “người trung gian” để có thể hoàn thành các công việc trong thời gian tương đối nhanh. Nhưng họ phải trả một khoản không nhỏ cho các “giúp đỡ” đó.

Các nhà điều tra tham gia vào cuộc khảo sát cho biết, cung cấp dịch vụ công trong ngành Tư pháp là tồi tệ nhất. Những người cần đến dịch vụ công phải chờ tới 90 ngày để việc của mình được hoàn tất. Những người dân đến với dịch vụ công đã làm đơn khiếu nại sự chậm trễ nói trên, nhưng các khiếu nại, phản ánh này ít khi được giải quyết.

Theo TI-N, sự quản lý yếu kém được nhìn nhận là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng tham nhũng trong các cơ quan chính quyền cấp quận/huyện. Thừa nhận sự chậm trễ trong việc thực hiện các công việc trong các cơ quan hành chính Nhà nước, Tổng Thư ký Somlal Subedi khẳng định: “Hệ thống cung cấp dịch vụ công của chúng ta hoạt động rất kém. Sự vắng mặt của các đại diện dân cử tại các cơ quan chính quyền địa phương đã ảnh hưởng tới việc cung cấp các dịch vụ này”.