Chỉ 16% phụ nữ trên 65 tuổi được nhận lương hưu, thấp hơn nhiều so với nam giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Bộ LĐ-TB&XH, chỉ có 16% phụ nữ trên 65 tuổi được nhận lương hưu từ bảo hiểm xã hội, so với 27,3% ở nam giới.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo số liệu của Liên Hợp Quốc năm 2020, ước tính ở Việt Nam phụ nữ chiếm 60% dân số có độ tuổi từ 65 tuổi và 68% dân số có độ tuổi từ 80 tuổi trở lên. Bảo đảm thu nhập cho người cao tuổi nói chung và phụ nữ cao tuổi nói riêng hiện được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Luật Người cao tuổi; và Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Tuy nhiên, các quy định trong những văn bản quy phạm pháp luật này đã không đủ để đảm bảo khả năng tiếp cận an toàn thu nhập cho mọi người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ.

Theo số liệu thống kê, số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi là hơn 4,94 triệu người. Trong đó: 2,6 triệu người đang hưởng lương hưu; 0,64 triệu người đang hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng; và hơn 1,7 triệu người hưởng trợ cấp xã hội.

Đặc biệt chỉ có 16% phụ nữ trên 65 tuổi được nhận lương hưu từ bảo hiểm xã hội, so với 27,3% ở nam giới. Ở độ tuổi lớn hơn, khoảng cách này thậm chí còn rộng hơn.

Mức độ bao phủ thấp về an toàn thu nhập cho người cao tuổi do một số nguyên nhân như: Khu vực kinh tế phi chính thức rộng lớn là hạn chế chính đối với việc bảo vệ cả phụ nữ và nam giới trong hệ thống bảo hiểm xã hội ở Việt Nam với hai hình thức bảo hiểm xã hội bắt buộc (đối với khu vực chính thức) và bảo hiểm xã hội tự nguyện (đối với khu vực phi chính thức).

Theo số liệu thống kê mặc dù lao động tự làm ở nam giới và phụ nữ ở Việt Nam là tương đương nhau, nhưng phụ nữ có nguy cơ trở thành lao động gia đình cao hơn gấp đôi so với nam giới.

Năm 2019, 2/3 lao động gia đình ở Việt Nam là phụ nữ (5 triệu lao động gia đình là nữ). Họ chiếm gần 1/4 việc làm của phụ nữ nông thôn (17,6 triệu lao động nữ nông thôn), so với chỉ 2,7 triệu lao động gia đình là nam giới, chiếm 13% của tổng số việc làm của nam giới ở nông thôn (19,5 triệu).

Với lực lượng lao động lớn ở khu vực phi chính thức, nhưng tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện chỉ là 1,3 triệu người, bao gồm cả nam giới và phụ nữ, chiếm 2,88% lực lượng lao động trong độ tuổi tính đến tháng 12 năm 2021.

Quy định độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi (80 tuổi) là cao so với độ tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh tăng theo lộ trình của Bộ luật Lao động 2019 (62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035) và rất cao so với độ nghỉ hưu khi chưa được điều chỉnh tăng.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc tích hợp các chính sách đảm bảo an toàn thu nhập cho người cao tuổi vào một hệ thống hưu trí đa tầng là chìa khóa để thu hẹp khoảng cách bao phủ này, đồng thời đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ, những người dễ bị tổn thương nhất khi thiếu an sinh xã hội thỏa đáng khi về già cũng như trong thời kỳ góa bụa.

Việc tích hợp này cũng sẽ đảm bảo đạt được mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW là phấn đấu đạt khoảng 55% và 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội vào các năm 2025 và năm 2030.