“Chết” vì nửa vời

ANTĐ - Khi Olympic còn chưa khởi tranh, lãnh đạo ngành thể thao hoan hỉ nói rằng, đoàn TTVN đã có một kỳ Thế vận hội thành công nhất trong lịch sử khi có tới 18 VĐV chính thức tham dự. Nhưng nói gì thì nói, thể thao trước hết phải là thành tích. 18 VĐV với một nền thể thao “vùng trũng” là rất đáng khích lệ, song sẽ chẳng còn nhiều ý nghĩa nếu họ không thể giành nổi một tấm huy chương. 

Lá bài “kinh tế hạn hẹp” luôn được các nhà quản lý thể thao dùng để bào chữa sau mỗi thành tích kém cỏi. Nhưng với những người am hiểu thể thao, đó là sự ngụy biện. Người ta thống kê, gần 1 triệu USD đã được rót cho mục tiêu Olympic 2012. Nhưng thay vì khoanh vùng đầu tư các mũi nhọn, ngành thể thao lại dàn trải ra 14 môn với gần 100 HLV, VĐV, chuyên gia. Kết quả là Hà Thanh suốt 4 tháng ròng không có người hướng dẫn, phải tự tập chay; Quốc Toàn, Huỳnh Châu không được tập huấn ở địa điểm tốt nhất; Nguyễn Thị Lụa không được chữa trị chấn thương; chế độ ăn ở, tập luyện chỉ như VĐV bình thường… Không được tạo điều tốt nhất để phát huy hết tài năng, việc VĐV trắng tay là hệ quả tất yếu.

Thể thao Việt Nam vẫn tự hào nằm trong tốp đầu SEA Games song luôn thua kém các nước láng giềng tại đấu trường Olympic. Nguyên nhân nằm ở chính sự nửa vời của lãnh đạo ngành ngay từ việc đề ra quyết sách. Trong khi các nước đều sớm xác định rõ ràng quyết sách cho 2 đấu trường khu vực - thế giới, thì ở Việt Nam, lãnh đạo ngành thể thao vẫn đắn đo xem nên chú trọng Olympic hay SEA Games. Rồi tại Olympic, mục tiêu sẽ là số lượng (giành nhiều vé) hay chất lượng (huy chương)? Chính sự nửa vời trong sách lược đã khiến TTVN không có được những VĐV tầm cỡ thế giới. 

Kể từ sau tấm HCB của Trần Hiếu Ngân tại Olympic 2000, ngành thể thao bắt đầu mơ tới những tấm huy chương giải đấu lớn nhất hành tinh. Nhiều kế hoạch tầm cỡ được đưa ra song đến nay vẫn nằm trên giấy, đơn giản vì hai tiếng “SEA Games” cứ mãi quẩn quanh và ám ảnh, khiến họ dường như không tài nào dứt ra được.

Lại nói đến SEA Games, sau kỳ đại hội trên đất Indonesia, một lãnh đạo ngành thể thao rút ruột mà rằng: “Nếu có thể đổi 96 HCV SEA Games lấy 1 HCV Olympic, tôi sẵn sàng”. Chỉ có điều, có bao nhiêu vị lãnh đạo thực sự đồng cảm với suy nghĩ ấy, và quyết tâm?

Hà Thanh và nhiều mũi nhọn khác không được đầu tư đúng mức.