Chênh lệch giàu nghèo - hiện thực "đáng tủi hổ" mà nước Mỹ không thể phủ nhận

ANTD.VN - Dù chính quyền Tổng thống Donald Trump phản đối báo cáo của Liên hợp quốc về sự chênh lệch giàu - nghèo ở Mỹ, song đây là một góc khuất không thể phủ nhận của nước này.

Liên hợp quốc lên tiếng bảo vệ mức độ chênh lệch giàu nghèo gia tăng báo động ở Mỹ

Trong một báo cáo mới công bố, Liên hợp quốc đã lên tiếng cảnh báo về mức độ chênh lệch giàu nghèo ở Mỹ đang ngày một gia tăng tại quốc gia đứng đầu thế giới về GDP hiện nay. Báo cáo có đoạn chỉ rõ: Mỹ, một trong những nước giàu nhất thế giới và là “đất nước của cơ hội”, đã nhanh chóng trở thành nước đứng đầu về bất bình đẳng giàu nghèo. 

Báo cáo của Liên hợp quốc cũng nhận định rằng, hơn bao giờ hết, một người Mỹ sinh ra trong nghèo khó sẽ có nguy cơ tiếp tục nghèo đói  suốt cuộc đời. Ngoài ra, Mỹ cũng là nước có tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao nhất trong 20 quốc gia giàu có trên thế giới và là nước có tỷ lệ trẻ em sống trong nghèo khó cao nhất ở các nước công nghiệp phát triển. Báo cáo của Liên hợp quốc còn khiến Washington “phiền lòng” thêm khi chỉ rõ hiện có tới 5 triệu người dân Mỹ sống trong tình trạng “cực nghèo” như ở các nước thế giới thứ ba. 

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã ngay lập tức kịch liệt phản đối bản báo cáo của Liên hợp quốc và cho rằng lẽ ra tổ chức quốc tế này “nên chú trọng đến tình trạng nghèo đói ở các nước thế giới thứ ba”. Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley nặng lời: “Thật lố bịch khi Liên hợp quốc xét đoán về tình trạng nghèo khó ở Mỹ”. Bà Đại sứ Mỹ còn cáo buộc, đặc phái viên Liên hợp quốc đã trình bày “sai lạc một cách trắng trợn” những tiến bộ mà Mỹ đã đạt được trong công cuộc giảm đói nghèo. Tuy nhiên, bà Nikki Haley lại không đưa ra bất kỳ dẫn chứng cụ thể nào cho thấy Liên hợp quốc đã đánh giá “sai lạc một cách trắng trợn” về chênh lệch giàu nghèo tại Mỹ. 

Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump phản ứng dữ dội báo cáo về vấn đề chênh lệnh giàu nghèo của Liên hợp quốc không chỉ bởi báo cáo này “bêu xấu” nước Mỹ mà còn do đã chỉ trích đích danh chính quyền của vị tỷ phú này. Báo cáo cho rằng nghèo khó không phải là một vấn đề mới tại Mỹ, song đã trở nên tệ hại hơn nhiều dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. 

Dù chính quyền Tổng thống Donald Trump phản ứng, song khó có thể phủ nhận thực tế mà ngay chính “người nhà” cũng phải thừa nhận như việc Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và 18 chính trị gia khác đã công bố thư ngỏ kêu gọi hành động để giảm mức chênh lệch giàu nghèo “đáng tủi hổ” ở nước Mỹ. Các chính trị gia này đồng ý với nhận định của Liên hợp quốc rằng, 1.500 tỷ USD giảm thuế của chính quyền Donald Trump “hoàn toàn chỉ làm lợi cho người giàu, trong khi đẩy dân nghèo lún sâu vào cảnh khốn cùng”.

Trước đó, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng từng công bố một báo cáo điều tra thấy phần lớn người Mỹ hiện giàu có hơn so với trước cuộc Đại suy thoái 2007-2009 nhờ hưởng lợi từ kinh tế phát triển, tuy nhiên khoảng cách chênh lệch về thu nhập và tài sản vẫn đang có xu hướng nới rộng.

Cụ thể, trong 3 năm qua, mức thu nhập trung bình thực tế của các hộ gia đình da trắng tăng 17% lên 171.000 USD, trong khi thu nhập của gia đình người Mỹ gốc Phi dù có mức tăng lớn hơn là 29% nhưng chỉ là 17.600 USD và con số này của các hộ gia đình người Mỹ gốc Tây Ban Nha là 20.700 USD, thấp hơn rất nhiều so với người da trắng.

Cũng theo FED, thu nhập của nhóm 1% những người giàu nhất nước Mỹ chiếm 23,8% tổng thu nhập của toàn nước này trong khi nhóm 90% thu nhập kém nhất chiếm 49,7%. Nhóm 1% những người giàu nhất nước Mỹ hiện sở hữu 38,6% tổng tài sản cá nhân, tăng 2,3% từ năm 2013; trong khi đó giá trị tài sản cá nhân  99% số người Mỹ còn lại đều giảm.