Chen nhau đổi lấy mũ xịn

ANTĐ - Sau hai ngày thực hiện đổi mũ bảo hiểm rởm  lấy mũ đảm bảo chất lượng, có trợ giá, hàng nghìn người dân đã tỏ ra rất hồ hởi. Tuy nhiên, chỉ với hai doanh nghiệp (DN) và 12 điểm đổi mũ, trong khi, lượng mũ cần đổi lên tới hàng triệu cái thì cần nhiều DN nhập cuộc.

Các điểm đổi mũ đều đông người tham gia

Hàng nghìn chiếc mũ xịn đã được bán ra

Từ sáng sớm 23-3, tại các điểm đổi mũ bảo hiểm rởm lấy mũ xịn, có trợ giá của 2 Công ty Á Long và Chí  Thành đã đông nghịt. Thậm chí, dù thông báo 9h chương trình mới bắt đầu, nhưng ngay từ 8h sáng, người dân đã xếp hàng chờ đổi mũ. Mặc dù hai DN tham gia lần này đã dự trù 50.000 chiếc để tham gia chương trình trong vòng 3 ngày (23, 24 và 25-3), nhưng vẫn không đủ cung ứng cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: “Trung bình một ngày, tại mỗi điểm có từ 3.000-5.000 chiếc mũ được đổi. Bước đầu cho thấy, chương trình đã thành công, thu hút được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân”. Thậm chí, tại một số điểm như vườn hoa Hà Đông, chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ vào sáng 23-3 đã hết sạch lượng mũ dự trù cho cả ngày. Lo ngại 12 điểm đổi mũ có trợ giá sẽ không đủ hàng bán cho người dân có nhu cầu trong vòng 3 ngày như dự kiến, ông Hiệp cho rằng, lượng mũ bán ra vượt dự trù của nhà sản xuất nên nếu DN bị hết hàng khi chương trình chưa kết thúc thì người dân cũng nên thông cảm: “5 năm qua, các DN sản xuất mũ bảo hiểm đã phải co cụm, sản xuất cầm chừng. Nay muốn sản xuất số lượng lớn trở lại cũng cần phải có thời gian chuẩn bị”.

Chị Nguyễn Thị Tuyết trú tại phố Nguyễn Văn Cừ cho hay: “Ngay từ  sáng, hai mẹ con đã đưa nhau sang điểm đổi mũ tại vườn hoa Hàng Đậu. Tại đây, Công ty Á Long trợ giá cho mỗi chiếc mũ là 50.000 đồng. Hai mẹ con mua luôn 4 cái cho cả nhà. Đội mũ đảm bảo chất lượng cũng thấy yên tâm hơn khi ra đường”. Cũng theo chị Tuyết, từ hôm biết thông tin có chương trình đổi mũ rởm lấy mũ xịn lại được trợ giá từ 30.000-70.000 đồng/chiếc, hàng xóm xung quanh nô nức rủ nhau đi đổi. 

Cần sự nhập cuộc của nhiều doanh nghiệp

“Chương trình đổi mũ bảo hiểm không đạt chuẩn lấy mũ bảo hiểm đạt chuẩn, có trợ giá sẽ tiếp tục được mở rộng và triển khai tại các trường đại học, cao đẳng dưới nhiều hình thức. Mục tiêu của chương trình nhằm giúp người tiêu dùng tiếp cận được với mũ bảo hiểm từ các nhà sản xuất chính hãng,” ông Hiệp cho hay. Tuy nhiên, ông Hiệp cũng bày tỏ lo ngại khi sự vào cuộc của các đơn vị sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm vẫn còn quá ít so với nhu cầu. “Tính riêng trên địa bàn Hà Nội, tối thiểu phải cần đến 150 điểm bán mũ trợ giá. Càng nhiều điểm thì tỷ lệ người dân được tiếp cận với mũ đạt chuẩn, có trợ giá càng nhiều”, ông Hiệp bày tỏ. Song, đến hiện tại mới chỉ có 2 DN trong tổng số 67 DN sản xuất mũ bảo hiểm tham gia. Như vậy, chương trình khó có thể triển khai rộng rãi trên toàn quốc. Theo tính toán, tối thiểu phải có khoảng 30 DN cùng nhập cuộc thì mới thực hiện được trên cả nước.

Trao đổi về chương trình đổi mũ bảo hiểm, có trợ giá, ông Lê Đức Thuận, Giám đốc Công ty sản xuất mũ bảo hiểm Á Long cho biết, việc đổi mũ rởm sang mũ xịn là chương trình xã hội hóa. Công ty chịu thiệt thòi về kinh doanh, nhưng đổi lại thương hiệu B’color sẽ được quảng bá rộng rãi, giúp cho người dân có cơ hội tiếp cận mũ đảm bảo chất lượng. Qua đó cũng góp phần nâng cao ý thức về việc chấp hành đội mũ bảo hiểm đúng quy định. 

Đề cập đến việc đổi mũ bảo hiểm có trợ  giá đã được Đà Nẵng triển khai từ năm 2012, ông Hiệp cho rằng, mô hình ở Hà Nội khác với mô hình của Đã Nẵng. “Đà Nẵng cho DN sản xuất mũ vay vốn, ưu tiên về mặt bằng sản xuất. Bởi vậy, giá bán mũ tới người tiêu dùng được TP hỗ trợ thông qua DN. Còn tại Hà Nội, DN tự trợ giá cho người tiêu dùng thông qua hình thức bán hàng trực tiếp”.