Chế tạo thành công sản phẩm sắt từ phế thải bùn đỏ

ANTĐ - Ngày 17-5, phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc. Trước đó, UBTVQH đã nghe Đoàn giám sát báo cáo chuyên đề về hiệu quả tổng thể về kinh tế, xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng của 02 dự án bô-xit Tân Rai và Nhân Cơ. 

Theo Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, Trưởng Đoàn giám sát, cả hai dự án đều có hiệu quả kinh tế, nhưng chưa cao. Trong bối cảnh kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, việc đầu tư một lượng vốn lớn, kéo dài cho hai dự án này cần được tiến hành thận trọng, tính toán kỹ, đặc biệt là chi phí dành cho hai dự án phải thật hợp lý, đảm bảo hiệu quả kinh tế. Đặc biệt là giá alumin phụ thuộc hoàn toàn vào sự chi phối của thị trường thế giới.

Báo cáo thêm tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho biết, nhìn chung, hai dự án đã được thực hiện đúng chủ trương nghị quyết cũng như các quy định của pháp luật, có tác dụng lan tỏa bước đầu, mặc dù chưa hoạt động hết công suất. 

Phó Thủ tướng cũng thông tin, “một tín hiệu đáng mừng là qua nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, từ phế thải bùn đỏ của dự án, chúng ta đã sản xuất thành công sắt với tiêu chuẩn chất lượng của Nhật Bản, sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển ra quy mô công nghiệp nhỏ và sau đó có thể là quy mô thương mại. Nếu thành công, có thể biến loại chất thải nguy hại này thành nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của dự án”.

Mẫu sản phẩm sắt sản xuất từ bùn đỏ sau đó đã được giới thiệu với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay tại phiên họp.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, một dự án công nghiệp được đầu tư lớn, trường hợp này lên tới 700 triệu USD thì luôn có thời kỳ lỗ trong kế hoạch, nhưng theo tính toán của chúng tôi thì thời kỳ lỗ kế hoạch của hai dự án này có thể được rút ngắn 1-2 năm. Dự kiến trong 12-15 năm thu hồi được vốn. Tới đây, theo dự báo, giá alumin đang có xu hướng tăng lên và có cơ sở để tin rằng dự án có thể được nâng cao hiệu quả kinh tế, nhất là khi quy mô được mở rộng.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội


Về vấn đề môi trường, theo ông Hoàng Trung Hải, rút kinh nghiệm từ sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary, Chính phủ đã cho gia cố các công trình hồ chứa bùn đỏ cho các dự án, đảm bảo trên mức an toàn cho phép; đồng thời đầu tư thêm một hồ chứa dự phòng để đề phòng biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan ở Tây Nguyên. Việc này có phần làm đội thêm chi phí và giảm hiệu quả của dự án, nhưng Chính phủ đã bàn, thấy cần thiết và dự án vẫn có hiệu quả kinh tế.

Về tác động của dự án đến hệ thống giao thông tỉnh lộ, đặc biệt là quốc lộ 20, ông Hoàng Trung Hải cho biết, quốc lộ này đang tiếp tục được đầu tư nâng cấp. Nếu thí điểm thành công và quyết định nâng công suất các dự án này lên gấp đôi, thì sẽ tính đến các phương thức vận tải khác, như đường sắt, và không chỉ để đáp ứng nhu cầu vận chuyển cho dự án mà cho mọi nhu cầu hàng hóa của Tây Nguyên.

Thảo luận về vấn đề này tại phiên họp, các ý kiến ghi nhận Báo cáo giám sát đã được chuẩn bị công phu, thể hiện tính trách nhiệm cao. Tuy nhiên, theo các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn nhiều vấn đề liên quan đến 2 dự án cần được tiếp tục phân tích, làm rõ.

Đó là khả năng làm chủ thiết bị, công nghệ; tác động của dự án đến tình hình an ninh quốc phòng – đặc biệt là trong điều kiện kinh tế - xã hội đất nước đang có những biến động mạnh như hiện nay và trong tương lai. Việc thử nghiệm sản xuất thành công sắt từ phế thải bùn đỏ được coi là một tín hiệu rất đáng mừng, nhưng mới chỉ là bước đầu, cần tiếp tục nghiên cứu phát triển ở quy mô công nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, hai dự án đã cơ bản thực hiện đúng chủ trương và pháp luật, được sự đồng thuận của địa phương, bước đầu có sức lan tỏa tốt.

Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ủy ban Kinh tế phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục hoàn thiện Báo cáo giám sát, bổ sung những đánh giá chi tiết và có tầm nhìn xa hơn về tác động của dư án đến tình hình an ninh – quốc phòng, trật tự xã hội của đất nước và khu vực; gắn với chủ trương phát triển Tây Nguyên, bảo tồn môi trường sinh thái, văn hóa bản địa, chất lượng đời sống nhân dân...