Chế tạo chi sinh học trong phòng thí nghiệm

ANTĐ - Các nhà khoa học thuộc Bệnh viện đa khoa Massachusetts (Mỹ) lần đầu tiên nuôi dưỡng thành công một chi trong phòng thí nghiệm, đem đến hy vọng phát triển phần chi đã bị mất cho người tàn tật. 

Cụ thể, các chuyên gia lấy một phần chi của một con chuột, ngâm vào dung dịch tẩy rửa và loại bỏ hết tế bào trong chi, chỉ để lại phần vỏ. Phần vỏ của chi được làm đầy mạch máu và cơ, phát triển từ tế bào gốc; sau đó cung cấp cho chi này dinh dưỡng và khí oxy.

Khoảng 2 đến 3 tuần, các mạch máu và cơ bắp đã tái tạo hoàn toàn. Bước tiếp theo là ghép chi mới vào một con chuột sống, máu truyền vào chi, và con chuột có thể nhúc nhắc phần chi mới. Theo bác sĩ Harald Ott thuộc khoa Phẫu thuật của Bệnh viện đa khoa Massachusetts, nghiên cứu tập trung vào phần cẳng tay và bàn tay.

“Tuy nhiên kỹ thuật này sẽ còn được phát triển trên cánh tay, chân và các bộ phận khác” - ông Ott cho biết. “Khoa học viễn tưởng đã đến với cuộc sống thực tế” - chuyên gia về tái tạo phổi Daniel Weiss ca ngợi thành công của phương pháp chế tạo chi sinh học này.