Chế tài xử phạt nghiêm khắc với hành vi "uống rượu bia, lái xe"

ANTD.VN - Ngày 14-6 vừa qua, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức được Quốc hội bỏ phiếu tán thành thông qua. Trong đó, quy định cấm lái xe khi trong máu hoặc hơi thở có chứa nồng độ cồn được xem là chế tài xử phạt nghiêm khắc, nhằm giảm thiểu các vụ tai tạn giao thông do rượu bia gây ra.

Tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù với nữ lái xe BMW

Trong thời gian vừa qua, các vụ tai nạn, va chạm giao thông nghiêm trọng do lái xe uống rượu, bia gây ra đã làm dư luận hoang mang, phẫn nộ. Sáng nay, ngày 17-6, bị cáo Nguyễn Thị Nga (46 tuổi, trú tại quận 12, Tp. Hồ Chí Minh) bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù vì vi phạm các quy định khi tham gia giao thông đường bộ. Bà Nga gây tai nạn khi chưa có bằng lái xe ô tô, trong hơi thở có chứa nồng độ cồn vượt mức quy định và gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho 2 người trở lên với mức tổn hại từ 122-200%.

Giọt nước mắt muộn màng của bị cáo Nga tại phiên tòa xét xử. Ảnh: Tuổi trẻ

Quy định cấm “lái xe khi đã uống rượu, bia” chính thức được thông qua

Ngày 14-6, Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia chính thức được thông qua, bao gồm 7 chương, 36 điều và có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Điều đáng chú ý trong luật là Quốc hội bổ sung quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có chứa nồng độ cồn. Đây là quy định cần thiết, thể hiện thái độ quyết tâm, ngăn chặn những vụ tại nạn giao thông do tác hại của rượu bia gây ra.

Kết quả biểu quyết thông qua quy định “đã uống rượu bia thì không lái xe”

Điểm mới trong quy định “cấm lái xe khi đã uống rượu, bia”

Theo Điều 8, khoản 8, bộ Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định cấm với hành vi: Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở. Như vậy theo văn bản này, cho phép nồng độ cồn trong máu của người điều khiển giao thông là dưới 50 miligam/100 mililít máu hoặc dưới 0,25 miligam/1 lít khí thở) và không cấm hoàn toàn việc uống rượu bia khi lái xe.

Nhưng ở Khoản 6, Điều 5, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia vừa được Quốc hội thông qua lại quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Như vậy ở văn bản luật lần này, phạm vi vi phạm đã được mở rộng, nghiêm cấm tuyệt đối uống rượu bia khi lái xe ô tô, xe máy, xe mô tô, xe máy điện. Đây được coi là quyết định sáng suốt và hợp lý, giúp ngăn chặn những vụ tai nạn nghiêm trọng do người lái xe sử dụng rượu bia gây ra.

Cấm lái xe khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn

Trước khi Luật được chính thức ban hành, Quốc hội cần tham khảo ý kiến các chuyên gia sửa đổi các quy định xử phạt cho phù hợp với quy định mới. Đồng thời để làm tốt, các cơ quan, ban, bộ ngành, cán bộ, nhân dân phải phối hợp, có ý thức đẩy lùi những hệ lụy, tác hại của rượu bia. Vì bản thân, vì gia đình, vì xã hội xin hãy trân trọng sự an toàn khi tham gia giao thông.