Chế tài xử lý với hành vi cố tình làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

ANTD.VN -Hàng chục ca dương tính với Covid-19 mới phát sinh liên quan đến chuyến bay VN0054 khiến dư luận xôn xao, lo lắng. Điều đáng nói là, có cá nhân dù bay về từ vùng dịch, có biểu hiện bệnh nhưng không khai báo y tế, làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh. Nhiều người đặt câu hỏi: “Trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng, đối tượng thực hiện hành vi trên có bị xử lý hình sự”?

Liên quan đến dịch viêm phổi do Covid-19, ngày 1-2-2020, Thủ tướng đã ký quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.

Bộ Y tế cũng đã bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Đây là các bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây lan rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Phố Trúc Bạch, Hà Nội được cách ly, khử trùng do có người nhiễm Covid-19

"Khai báo y tế là một trong những biện pháp đầu tiên khi có dịch nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Mọi cá nhân đều phải thực hiện khai báo theo yêu cầu của cơ quan chức năng để đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Những trường hợp thấy bản thân có dấu hiệu mắc dịch bệnh nhưng cố tình không khai báo y tế sẽ bị xử lý hành chính" - Luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Cũng theo Luật sư Tiến Hòa, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định, người tiếp xúc với người mắc bệnh dịch truyền nhiễm khi trở về nước bắt buộc phải cách ly y tế.

Việc người nhập cảnh đi từ vùng dịch về có biểu hiện của bệnh dịch (mệt mỏi, ho, sốt...) mà không khai báo y tế, không thực hiện thủ tục cách ly theo quy định là không tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng và chống bệnh truyền nhiễm là vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự.

Về xử phạt hành chính, Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ, người mắc bệnh cố tình che giấu tình trạng bệnh là hành vi vi phạm các quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm nên sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200-500.000 đồng (đối với hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A).

Còn theo Điều 10 Nghị định này, hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng. 

"Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người có hành vi trốn khỏi nơi cách ly, mang mầm bệnh, lây nhiễm cho người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 BLHS 2015 về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác'- Luật sư Tiến Hòa nhận định.

Theo đó, người nào thực hiện hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; Làm chết người thì bị phạt tù từ 5-10 năm.

Phạm tội dẫn đến đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 10-12 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.