Về kiến nghị Tịch thu phương tiện nếu vi phạm nồng độ cồn:

Chế tài mạnh mẽ vì tính mạng người dân

ANTĐ - Tính mạng con người là đáng quý nhất, vì vậy Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, việc tịch thu phương tiện (ô tô và xe máy) nếu người điều khiển trong máu có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Chế tài mạnh mẽ vì tính mạng người dân ảnh 1Kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông là việc làm nhân văn

Hậu quả do rượu gây ra rất lớn

Xung quanh đề xuất tịch thu phương tiện bao gồm cả ô tô và xe máy nếu người điều khiển vi phạm về nồng độ cồn quá cao hoặc xe máy lưu thông vào đường cao tốc, nhiều ý kiến cho rằng, sẽ khó thực thi vì xe máy, ô tô là tài sản thuộc sở hữu cá nhân. Trong khi đó, vi phạm Luật Giao thông đường bộ chỉ dừng lại ở mức độ vi phạm và xử phạt hành chính.

Lý giải về việc kiến nghị Chính phủ áp dụng thí điểm một số biện pháp mạnh từ ngày 15-3 tới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, năm 2014 là năm đầu tiên số nạn nhân tử vong vì TNGT giảm dưới 9.000 người. Đây được xem là sự chuyển biến tích cực, nhưng diễn biến TNGT còn phức tạp, bằng chứng là trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua số người tử vong vì TNGT lại tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tình trạng người điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ tham gia giao thông trên đường cao tốc, uy hiếp nghiêm trọng đến ATGT. Vì vậy, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, cần có những biện pháp mạnh để giảm đến mức thấp nhất tình trạng này và thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo ATGT.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định, những biện pháp này hoàn toàn khả thi, bởi “nếu tất cả người dân chấp hành Luật Giao thông nghiêm túc, không vi phạm thì không lo  việc có bị thu giữ phương tiện hay không”.. Theo ông Khuất Việt Hùng, hành vi say rượu điều khiển phương tiện và đi xe máy vào đường cao tốc gây nguy hiểm, đe doa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của chính người cầm lái và những người tham gia giao thông khác. Khi nồng độ cồn trong máu quá cao, trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/1ml khí thở sẽ không kiểm soát được hành vi, nếu gây tai nạn hậu quả sẽ rất lớn. Vì vậy, cần có chế tài để ngăn chặn hành vi đó xảy ra. 

Tại nhiều văn bản, Nghị định đã đưa ra các hình thức, mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm này, nhưng tình trạng vi phạm vẫn nhức nhối, đến mức cần phải đưa ra một hình thức xử lý, một thông điệp mạnh mẽ hơn. Hơn nữa, mục tiêu của việc áp dụng các chế tài này không nhằm để xử phạt, tịch thu phương tiện, mà để mỗi người đặt ra một ranh giới và dừng lại trước khi vi phạm. “Mục tiêu của chúng tôi là để người dân hiểu và thực thi, đã uống rượu thì không lái xe. Nếu không có một chế tài xử phạt nghiêm thì khó hình thành được ý thức, văn hóa tham gia giao thông”, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết.

Tính mạng con người là trên hết

Đề cập đến việc, mức xử phạt có quá nặng đối với một số hành vi vi phạm giao thông mà Ủy  ban ATGT kiến nghị Chính phủ áp dụng, ông Khuất Việt Hùng nhìn nhận: “Phương tiện giao thông đường bộ như ô tô, xe máy là tài sản lớn đối với người dân, nhưng tính mạng con người vẫn là trên hết. Đề xuất này được đưa ra cũng là lời cảnh báo mạnh mẽ đối với những người tham gia giao thông”.  

Tuy vậy, ông Khuất Việt Hùng cũng cho rằng, trước thực trạng vi phạm về nồng độ cồn diễn ra quá nhức nhối, Ủy ban ATGT Quốc gia chỉ đề xuất các giải pháp thực hiện, trong bối cảnh chờ các bộ, ngành và địa phương đóng góp sửa đổi Nghị định về xử phạt vi phạm giao thông. Thẩm quyền quyết định có áp dụng hay không thuộc về Thủ tướng Chính phủ và cơ quan thực thi là Bộ GTVT, Bộ Công an…

Hành vi điều khiển phương tiện cơ giới khi trong người có nồng độ cồn hiện cũng được nhiều nước trên thế giới áp dụng việc xử phạt. Cụ thể như Nhật Bản, sẽ xử phạt 3 đối tượng liên quan, gồm người uống và điều khiển phương tiện, người giao xe cho “người say lái xe” và người bán rượu cho người điều khiển xe.  Mức phạt tù lên đến 5 năm và phạt tiền đến 8.000USD…