Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, tăng cường sức khỏe cho người ung thư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ung thư là một bệnh mạn tính, trực tiếp ảnh hưởng đến cơ quan khởi phát bệnh và có thể di căn đến các vị trí khác, gây ra một loạt các biến chứng, trong đó có tác động tiêu cực đến tình trạng dinh dưỡng. Vì vậy chế độ ăn có vai trò quan trọng trong chăm sóc người bệnh ung thư.
Một chế độ dinh dưỡng hợp lý trước, trong và sau quá trình điều trị ung thư giúp tăng cường thể lực cho bệnh nhân

Một chế độ dinh dưỡng hợp lý trước, trong và sau quá trình điều trị ung thư giúp tăng cường thể lực cho bệnh nhân

Nhiều bệnh nhân ung thư chết vì suy kiệt cơ thể

Rất nhiều bệnh nhân ung thư không được chăm sóc dinh dưỡng đúng trong suốt thời gian trị bệnh nên đã dẫn đến tình trạng sụt cân, suy dinh dưỡng và suy kiệt trầm trọng hơn. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng chỉ cần sụt 5% cân nặng đã rút ngắn 1/3 thời gian sống của bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân không thể theo hết được các liệu pháp điều trị do cân nặng và thể lực bị suy giảm trầm trọng. Điều này ảnh hưởng lớn tới hiệu quả điều trị và làm giảm thời gian sống của người bệnh. Đồng thời, nó cũng làm tăng tỷ lệ biến chứng, nhiễm trùng và dẫn đến tử vong.

Nhịn ăn hoặc không ăn chất đạm để tiêu diệt khối u là một quan điểm phản khoa học và rất nguy hiểm đối với người bệnh. Việc nhịn đói hay không nhịn đói, tế bào ung thư vẫn phát triển. Thậm chí, khi nhịn đói, ăn thiếu dinh dưỡng, sức đề kháng giảm sút, tế bào ung thư còn phát triển nhanh hơn. Trên thực tế, tế bào ung thư có phát triển được hay không phụ thuộc vào sức đề kháng của cơ thể. Những người có sức đề kháng tốt, hệ thống miễn dịch tốt... sẽ kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư. Ngược lại, những bệnh nhân đã suy kiệt cả tinh thần, thể lực và sức đề kháng thì ung thư phát triển nhanh hơn. Do đó, nếu “đói”, bệnh nhân sẽ chết vì suy kiệt trước khi chết do bệnh ung thư.

Dinh dưỡng có tác dụng nâng đỡ để người bệnh có đủ sức điều trị bệnh. Việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp tăng cường thể lực cho bệnh nhân. Ăn đúng trước, trong và sau khi điều trị có thể giúp cho bệnh nhân giảm thiểu được những bất lợi do các tác dụng phụ của phương pháp điều trị và giúp bệnh nhân sống khỏe hơn.

Vai trò của dinh dưỡng với bệnh nhân ung thư

Để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, người bệnh cần phải ăn uống đầy đủ thực phẩm đảm bảo các nhóm chất: đạm - bột đường - béo - vitamin, khoáng chất - nước. Một chế độ ăn nhiều cá, rau, ít thịt, thêm dầu thực vật, uống nhiều nước và vận động, tập thể dục thể thao... sẽ giúp cơ thể đủ chất dinh dưỡng và sức khỏe để chống lại ung thư. Nên chia nhỏ các bữa ăn để người bệnh dễ hấp thụ dưỡng chất. Người bệnh chịu khó vận động, ít nằm một chỗ để cơ thể được thoải mái, đầu óc được thư giãn, tránh suy nghĩ quá sẽ giúp cho việc điều trị đạt kết quả cao hơn.

Trong thời gian điều trị, bệnh nhân cũng thường bị thay đổi khẩu vị. Sự thay đổi khẩu vị này sẽ biến mất sau khi chấm dứt điều trị. Các phương pháp sau đây có thể giúp người bệnh giảm thiểu được tình trạng khó chịu: Súc miệng trước khi ăn; Ăn những loại trái cây có vị chua như cam, quýt, chanh, bưởi; Ăn bữa nhỏ nhiều lần trong ngày; tăng cường ăn những thức ăn ưa thích và không nên ăn nhiều thịt đỏ; Sử dụng các loại gia vị và nước sốt trong món ăn; Nên ăn thức ăn mềm hoặc chế biến nhiều nước; Tránh ăn nhiều đường; Sử dụng đồ tráng miệng ướp lạnh; Uống nhiều nước và uống từng ngụm trong vài phút.

Người bệnh nên kiêng hoặc hạn chế đồ ăn chế biến dưới dạng chiên xào, nhiều dầu mỡ, đồ chế biến sẵn như xúc xích, thịt nguội, thức ăn cay nóng. Chất kích thích như rượu, bia, cà phê hay thuốc lá nên tránh tuyệt đối. Các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu nên hạn chế.

Thận trọng khi dùng thực phẩm chức năng

Các thực phẩm chức năng bổ sung vitamin và khoáng chất cung cấp đầy đủ giá trị dinh dưỡng hàng ngày có thể được xem là an toàn cho người khỏe mạnh. Nhưng với bệnh nhân đang điều trị ung thư, việc sử dụng các sản phẩm này nên được đánh giá bởi bác sĩ hoặc xin ý kiến các chuyên gia dinh dưỡng dựa trên các triệu chứng bệnh và lượng calo từ bữa ăn hàng ngày. Một số khoáng chất đã được chứng minh là làm giảm tác dụng phụ của điều trị ung thư.

Bệnh nhân điều trị ung thư thường uống cùng lúc rất nhiều loại thuốc, việc sử dụng thêm thực phẩm chức năng sẽ làm tăng nguy cơ tương tác thuốc tiềm ẩn. Để an toàn, điều quan trọng là bạn hãy cung cấp đầy đủ thông tin về các thực phẩm chức năng đang sử dụng cho bác sĩ và không sử dụng một thực phẩm chức năng mới mà không được sự đồng ý từ bác sĩ. Ngoài ra, phải sử dụng thận trọng và tránh các thực phẩm chức năng được quảng cáo với các hiệu quả thần kỳ nhanh chóng.