Chế độ ăn thế nào là phù hợp nhất với trẻ bị suy dinh dưỡng?

ANTD.VN - Suy dinh dưỡng được định nghĩa là tình trạng bệnh lý xảy ra khi cơ thể thiếu các chất dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu protein và năng lượng. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, hay gặp nhất là ở lứa tuổi từ 6 – 24 tháng.

Suy dinh dưỡng là gì?

Chế độ ăn thế nào là phù hợp nhất với trẻ bị suy dinh dưỡng? ảnh 1

Theo viện quân y 103, suy dinh dưỡng trước đây được định nghĩa là tình trạng bệnh lý xảy ra khi cơ thể thiếu các chất dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu protein và năng lượng. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, hay gặp nhất là ở lứa tuổi từ 6 – 24 tháng. Suy dinh dưỡng thường kèm theo tình trạng dễ nhiễm khuẩn và ngược lại nhiễm khuẩn làm cho suy dinh dưỡng nặng thêm.

Ngày nay suy dinh dưỡng được định nghĩa là một tình trạng dinh dưỡng trong đó thiếu hay thừa (hay mất cân bằng) năng lượng, protein và các chất dinh dưỡng khác ảnh hưởng bất lợi lên mô và cơ thể (hình dáng cơ thể, kích thước, thành phần), chức năng cơ thể và các kết quả lâm sàng.

Suy dinh dưỡng do thiếu dinh dưỡng thực chất không chỉ là tình trạng thiếu hụt protein và năng lượng mà thường là kết hợp thiếu nhiều vi chất dinh dưỡng. Trước đây các y văn thường dùng cụm từ “Suy dinh dưỡng protein- năng lượng” (protein- energy malnutrition) để nhấn mạnh vai trò quan trọng của protein và năng lượng trong căn bệnh này. Ngày nay các y văn chỉ còn dùng danh từ “ Suy dinh dưỡng” (Undernutrition) để chỉ tình trạng trẻ em bị chậm phát triển do thiếu dinh dưỡng.

Suy dinh dưỡng đang là vấn đề sức khoẻ quan trọng và phổ biến của trẻ em ở các nước đang phát triển cũng như  ở nước ta hiện nay.

Nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng ở trẻ em

Chế độ ăn thế nào là phù hợp nhất với trẻ bị suy dinh dưỡng? ảnh 2

Bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em thường là do tổng hợp từ nhiều yếu tố:

- Do dinh dưỡng: Nuôi trẻ không đúng phương pháp khi mẹ thiếu hoặc mất sữa, cho trẻ ăn bổ sung không đúng cả về số lượng và chất lượng, nguyên nhân quan trọng nhất hay gặp là do bà mẹ thiếu kiến thức dinh dưỡng hoặc không có thời gian chăm sóc con cái.

- Do ốm đau kéo dài: Trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa nhiều lần, biến chứng sau các bệnh viêm phổi, sởi, lỵ…

- Do thể tạng dị tật: Trẻ đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai, các dị tật sứt môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh.

- Do điều kiện kinh tế xã hội: Suy dinh dưỡng là một bệnh của nghèo nàn và lạc hậu, có liên quan đến kinh tế, văn hóa, dân trí. Đây là mô hình hệ bệnh tật đặc trưng của các nước đang phát triển.

Muốn biết trẻ có bị suy dinh dưỡng hay không các bà mẹ cần phải theo dõi cân nặng thường xuyên cho trẻ trên biểu đồ phát triển. Nếu thấy 2-3 tháng liền trẻ không tăng cân cần phải đưa trẻ đi khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân, theo Tuổi Trẻ.

Theo tiêu chuẩn cân nặng/tuổi người ta chia suy dinh dưỡng làm 3 độ:

- Suy dinh dưỡng Độ I: Trọng lượng còn 90% so với tuổi.

- Suy dinh dưỡng Độ II: Trọng lượng còn 75% so với tuổi.

- Suy dinh dưỡng Độ III: Trọng lượng còn dưới 60% so với tuổi.

Nên cho trẻ bị suy dinh dưỡng ăn những loại thực phẩm nào?

Chế độ ăn thế nào là phù hợp nhất với trẻ bị suy dinh dưỡng? ảnh 3

Trong chế độ chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em bị còi xương phải đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng: tinh bột, chất đạm, chất béo, chất xơ, nhưng phải cân đối và tránh thiên về chất đạm. Mẹ cũng không nên nhồi nhét hay ép trẻ ăn quá nhiều, tránh phạm sai lầm trong những điều cần biết khi nuôi con nhỏ.

- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú đến 2 tuổi, nếu mẹ thiếu hoặc mất sữa thì phải được bổ sung sữa bột công thức theo tháng tuổi. Canxi trong sữa dễ hấp thu hơn trong các loại thực phẩm khác. Các nghiên cứu đã chỉ ra chỉ có sữa mẹ là cung cấp đầy đủ các chất và kháng thể, hệ miễn dịch cho trẻ. Đối với trẻ lớn nên chọn các loại sữa ngoài đảm bảo tiêu chuẩn và cung cấp nhiều canxi cho trẻ.

 - Cho trẻ ăn bổ sung các loại thực phẩm có chứa nhiều canxi, sắt, kẽm: cũng chính là các thức ăn có nguồn gốc động vật, giàu chất đạm: trứng, sữa, thủy sản, thịt… đặc biệt các loại thức ăn có chứa nhiều kẽm như: thịt gà, thịt cóc, con hàu… vì thiếu kẽm là một trong những nguyên nhân gây còi xương và chậm phát triển chiều cao ở trẻ em. Ưu tiên các thức ăn chứa nhiều chất đạm: thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa. 

 - Bổ sung vitamin D từ dầu mỡ: Chế độ ăn của trẻ cần có lượng dầu mỡ nhất định, nhưng cũng không nên quá nhiều vì nó dễ gây các bệnh khác, nên chọn các loại dầu mỡ làm từ thực vật. 

- Chế độ ăn phải phù hợp với lứa tuổi của trẻ, cung cấp đầy đủ năng lượng và dưỡng chất cho trẻ, không được để trẻ đói, trẻ bỏ bữa.

 - Rau xanh và hoa quả là thực phẩm không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của trẻ. Ăn nhiều rau xanh quả chín, cũng giúp trẻ phát triển chiều cao vì rau quả cung cấp nhiều vi chất dinh dưỡng, hơn nữa lại phòng ngừa táo bón giúp trẻ hấp thu tốt các vi chất như: canxi, sắt, kẽm…

Vi chất dinh dưỡng bao gồm: Các vitamin tan trong nước như vitamin nhóm B, C; Các vitamin tan trong chất béo là vitamin A, D, E, K; Các chất khoáng như kẽm, sắt, iốt, đồng, mangan, magiê. Tuy các vi chất này không cung cấp năng lượng nhưng lại không thể thiếu đối với sự phát triển bình thường của cơ thể. Trong đó, vitamin A, kẽm, canxi, sắt, i-ốt là những vitamin và khoáng chất mà trẻ rất dễ bị thiếu.

Theo VNN, hầu hết các vi chất này cơ thể không tự tổng hợp được, vì vậy mà mẹ phải bổ sung cho bé từ nguồn bên ngoài, từ thức ăn hay các loại thực phẩm chứ năng, thuốc khác.