Chế độ ăn ngừa sỏi thận

ANTĐ - Ai từng bị sỏi thận cũng trải qua cảm giác đau đớn và chỉ biết “chịu trận”, trong khi tỷ lệ mắc sỏi thận ở độ tuổi từ 30 đến 60 tuổi là 10% thì khả năng tái phát trong 5 năm là 50%, thậm chí lên đến 80% trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ đó bằng cách điều chỉnh ăn uống và lối sống.

Có thể ngăn ngừa sỏi thận bằng chế độ dinh dưỡng cân bằng

Sỏi thận hình thành trong quá trình lọc muối và chất khoáng tại thận. Các hợp chất khác có thể hình thành sỏi thận bao gồm axit uric và amino acid cystine. Cơ thể không được cung cấp đủ nước hoặc tập thể chất quá sức mà không bù lại lượng nước đã thoát ra làm tăng nguy cơ sỏi thận. Một người mắc sỏi thận cũng có thể do bệnh lý hoặc tiền sử gia đình bị bệnh. 

Sỏi thận không gây đau khi đang ở trong thận, nhưng chúng gây nên những cơn đau đột ngột khi di chuyển từ thận ra bàng quang. Triệu chứng bao gồm: đau dữ dội ở vùng dưới thắt lưng, hông, đau bụng kèm theo tiểu ra máu. Nếu nhiễm trùng ở đường tiết niệu kèm sỏi thận có thể gây sốt và ớn lạnh, cần đưa đi bệnh viện ngay lập tức.

Để tránh gặp phải những cơn đau, các bước phòng ngừa rất quan trọng, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao. Các biện pháp ngăn ngừa sỏi thận cũng đem lại một sức khỏe toàn diện, cơ thể sẽ luôn tràn đầy năng lượng, giảm cân dễ dàng, làn da đẹp và chậm lão hóa, nếu thực hiện những khuyến nghị dưới đây:

Uống đủ nước. Đây là yếu tố quan trọng nhất hướng tới mục tiêu đạt đủ lượng nước tiểu hàng ngày, nước tiểu trong, nhạt màu. Vì thế, chúng ta cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, đồng thời bổ sung rau quả chứa nhiều nước như các loại rau xanh, dưa hấu, cần tây…

Nên uống nhiều nước cam, chanh. Nước chanh và nước cam tươi chứa chất  citrate có tác dụng ngăn chặn hình thành cặn sỏi. Tuy nhiên có một ngoại lệ là nước ép bưởi, đối với người đang điều trị bệnh sỏi thận sẽ ngăn cản hiệu quả của thuốc.

Hạn chế thực phẩm chứa nhiều oxalat. Dạng sỏi phổ biến nhất là sỏi canxi oxalic, khi nồng độ nước tiểu trở nên quá cô đặc hoặc quá axit,  oxalat trong nước tiểu sẽ phân hủy, kết tủa với ion canxi và tạo thành sỏi. Vì thế, một số bác sĩ khuyên bệnh nhân sỏi thận nên tránh ăn hoặc uống các thực phẩm có chứa nhiều oxalat. Đó là đậu nành, nho, cam, mận, củ cải đường, cải thìa, cần tây, đậu xanh, cà chua, cà rốt, củ cải, cà tím, khoai lang, quả bí hay sôcôla, trà, thức uống pha rượu mạnh với nước hoa quả.

Ăn nhạt. Tránh ăn mặn là khuyến cáo dành cho những người có tiền sử sỏi thận, đồng thời cũng tốt cho huyết áp và tim mạch nói chung.

Ăn ít chất đạm động vật. Nghiên cứu cho thấy rằng hàm lượng đạm động vật cao làm giảm khả năng ngăn chặn sự tích tụ của các tinh thể canxi oxalat trong nước tiểu, trong khi sự bài tiết oxalat thường thấp hơn ở những người ăn chay. Để cơ thể cần đủ chất đạm cho các hoạt động thường ngày, đạm thực vật cũng khá phong phú, như đậu hoặc đậu lăng. 

 Cẩn thận với bổ sung canxi. Khi cơ thể không đủ canxi, mức oxalate có thể tăng lên và gây ra sỏi thận. Tuy nhiên, ăn các thực phẩm giàu canxi, nhưng đừng lạm dụng thuốc bổ sung canxi vì có thể gây ra tác dụng ngược.

Hạn chế cà phê. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người uống cà phê và trà thường ít bị sỏi thận hơn. Tuy nhiên, nếu uống lượng lớn cà phê mỗi ngày có thể làm tăng lượng canxi trong nước tiểu. 

Giảm thực phẩm có tính axit. Chế độ ăn uống có tính axit cao dễ tạo ra sỏi thận, trong khi dùng nhiều đồ ăn có tính kiềm hơn sẽ giúp ngăn chặn không chỉ sỏi thận mà còn nhiều bệnh thoái hóa khác.