Chế độ ăn kiêng cho người bệnh gout

ANTD.VN - Chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh gout. 

Gout là một loại viêm khớp  ảnh hưởng đến các khớp ngoại vi, thường là khớp ở ngón chân cái (đầu tiên), nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến đầu gối, khuỷu tay, ngón tay cái hoặc ngón tay. Những người mắc bệnh gout có xu hướng sinh ra nhiều urate hơn bình thường hoặc bài tiết ít hơn dưới dạng acid uric. Bệnh gout thường đi kèm với mức độ tăng urê trong máu. Purin, được phân hủy thành urate và acid uric. Đàn ông dễ bị bệnh gout hơn phụ nữ, mặc dù phụ nữ sau mãn kinh cũng có nguy cơ gia tăng.

Các yếu tố nguy cơ

Mất nước gây nhiều ảnh hưởng xấu cho sức khỏe, và bệnh gout là một trong  những bệnh chịu ảnh hưởng do mất nước. Mất nước có thể làm tăng nồng độ acid uric trong máu. Hàng ngày, cần uống đủ nước với 6-8 ly nước lọc mỗi ngày, đặc biệt là nếu bạn đang mắc bệnh gout hoặc có các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn khác.

Thừa cân béo phì. Nghiên cứu cho thấy, thừa cân và béo phì tạo điều kiện hình thành bệnh gout, do kích thích cơ thể tạo ra acid uric và ngăn chặn sự bài tiết acid uric ra khỏi cơ thể.

Mãn kinh. Nguyên nhân do estrogen - một hormone giúp thận bài tiết acid uric, giảm xuống trong và sau thời kỳ mãn kinh. Tác dụng bảo vệ của estrogen cũng là lý do phụ nữ trước khi mãn kinh ít có khả năng bị bệnh gout so với nam giới.

Chấn thương. Một chấn thương nhỏ như va chạm ngón chân cái có thể tạo điều kiện phát triển bệnh gout. Khớp bị chấn thương làm cho acid uric dễ lắng đọng hơn và có thể dẫn đến bệnh gout.

Tiền sử gia đình. Khoảng 20% bệnh nhân bị gout có tiền sử gia đình mắc bệnh này. Đàn ông vào độ tuổi 40 và phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ cao nhất của bệnh gout. 

Thuốc lợi tiểu thiazide. Những loại thuốc uống này làm tăng bài tiết nước tiểu để giúp kiểm soát tăng huyết áp. Do thận kéo chất lỏng ra khỏi cơ thể kèm tăng đào thải acid uric, dẫn đến làm tăng nguy cơ tái tạo của acid uric trong cơ thể và nguy cơ gây ra bệnh gout.

Aspirin là một thuốc kháng viêm và giảm đau có thể làm thay đổi nồng độ acid uric máu và hình thành bệnh gout. Dùng liều thấp aspirin, sử dụng không thường xuyên, có thể gây ra sự gia tăng nồng độ acid uric, nhưng với liều cao của aspirin có thể làm giảm nồng độ acid uric máu.

Người bệnh gout nên kiêng gì?

Kiêng những thực phẩm giàu đạm có gốc purin như: hải sản; các loại thịt đỏ; phủ tạng động vật;  thịt gia cầm... Tránh ăn các loại nước dùng, nước hầm, nước rau củ... để giảm bớt lượng purin của thức ăn hòa tan trong nước.

Kiêng tất cả các loại thực phẩm có tốc độ tăng trưởng nhanh như: măng tre, măng trúc, măng tây, nấm, giá, vì sẽ làm gia tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong cơ thể.

Giảm bớt những thực phẩm giàu đạm khác trong khẩu phần ăn: Đạm động vật như thịt lợn, thịt gà, thịt vịt... và đạm thực vật như: đậu Hà Lan, đậu trắng, đậu đỏ, đậu xanh…

Giảm các thực phẩm giàu chất béo như: mỡ, da động vật, thức ăn chiên, quay, thực phẩm chế biến với các chất béo no như: mì tôm, thức ăn nhanh...

Không uống đồ uống chứa cồn, đồ uống có ga, nước ngọt nhiều đường vì sẽ làm tăng nguy cơ béo phì, một trong những yếu tố tăng nặng bệnh gout. Giảm các đồ uống có vị chua như: nước cam, chanh, nước trái cây giàu vitamin C vì làm tăng nguy cơ kết tủa urat ở ống thận, tăng nguy cơ sỏi thận.