Chế biến món ngon từ trứng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những món ăn được chế biến từ trứng lâu nay vẫn luôn dễ ăn, rẻ, tiện lợi. Đó có thể là một món chế biến nhanh, đơn giản, nhưng cũng có thể là loại thực phẩm để kết hợp với những món cầu kỳ khác.

Đặc sản thời bao cấp

Trứng được sử dụng thông dụng nhất là trứng gà, trứng vịt, rồi trứng chim cút. Kén người ăn hơn thì có trứng ngỗng (món ăn được cho là có độ dinh dưỡng cao, chỉ dành cho bà bầu), hiếm hơn thì có trứng đà điểu. Bây giờ, người ta nuôi đà điểu như nuôi gà công nghiệp, nên mua trứng cũng không phải là quá khó. Quả trứng siêu to, giá đến vài trăm nghìn, tuy nhiên nhà ít người mà ăn được hết quả trứng ấy thì phải gọi là “nhớ muôn đời” vì …ngán.

Trứng thì làm món gì? Thuận tiện, đơn giản nhất là rán. Trứng đập ra bát, thêm chút mắm hoặc muối, hạt tiêu có cũng được, không có cũng được, hành thích thì cho, dùng đũa hoặc phới đánh trứng bông lên rồi rán với mỡ lợn hoặc dầu ăn. Có thể rán vàng 2 mặt, cũng có thể cuộn trứng lại thành miếng dài rồi cắt nhỏ vừa ăn. Có một cách rán khác gọi là ốp, bao gồm ốp lết và ốp la. Cách thứ nhất là trộn trứng với ớt chuông, thịt nguội. Cách thứ hai là trứng đập ra cứ thế rán vàng 2 mặt, lòng trắng và lòng đỏ riêng rẽ không lẫn với nhau. Đoạn giữa phố Thợ Nhuộm có hàng xôi bà Thu nổi tiếng với món trứng ốp la. Trứng ở đây có phần lòng đỏ chưa chín hẳn gọi là lòng đào. Rán vàng 2 mặt trứng, thậm chí cho vào kho cùng thịt mà phần lòng đỏ vẫn còn sống, làm được như thế hẳn là kỹ thuật phải… đỉnh cao.

Hà Nội thời bao cấp có khi 1 quả trứng cũng gánh được cả bữa cơm. Bây giờ không biết có ai còn nhớ món trứng bác hay không, chứ thế hệ 7x, 8x chắc vẫn không quên. Trứng bác được chế biến siêu đơn giản. Đập trứng vào bát, thêm nước mắm, hạt tiêu… rồi cho vào nồi cơm nóng đậy lại một lúc là chín. Nếu nhà có tóp mỡ hay mỡ nước thì cho thêm một chút sẽ khiến trứng mềm và béo. Trứng bác là món mà lũ trẻ con thích ăn với cơm nhất.

Giờ hình như ít người còn làm món này. Trứng luộc bây giờ là món ăn hết sức bình thường, nhưng quãng 30 năm trước nó đương nhiên là… đặc sản. Đi thăm gái đẻ thường cho nhau chục trứng, đi thăm người ốm cũng chục trứng, thêm cân đường hoặc hộp sữa gọi là để “bồi dưỡng cho khỏe”. Trứng luộc dầm nước mắm chấm rau bắp cải, rau cải luộc... Bây giờ nó được xem như một thực phẩm giảm cân và được cầu kỳ kết hợp với các loại rau ăn sống, nước sốt để thành sa lát theo trào lưu “eat clean”.

Những phiên bản đa năng

Hiện món ăn được cộng đồng mạng thi nhau làm rồi khoe thành phẩm lên mạng xã hội là trứng ngâm nước tương. Không biết trào lưu này du nhập từ đâu, nhưng thực chất đó là trứng luộc (hoặc chín, hoặc lòng đào) bóc vỏ, ngâm với xì dầu cùng hành tây thái nhỏ, vừng, hành hoa. Trứng ngâm xì dầu cho mùi vị lạ, ăn với cơm khá hợp.

Trứng cũng là loại thực phẩm kết hợp làm nên độ hấp dẫn trong các món ăn khác. Chả trứng là một ví dụ. Đây là món kết hợp với cơm tấm quen thuộc của miền Nam. Chả trứng gồm có thịt lợn băm, mọc nhĩ, hạt tiêu, mắm muối trộn lẫn cùng trứng rồi hấp cách thủy cho chín. Trước khi tắt bếp thì lấy một cái lòng đỏ trứng đánh bông để phết lên mặt bát chả trứng cho đẹp, sau đó hấp tiếp chừng vài phút (hoặc bỏ vào nồi chiên không dầu, hoặc lò nướng) cho mặt trứng se lại, vàng đều. Khi ăn cắt thành từng miếng. Cũng với trứng và thịt băm có thể kết hợp thêm mắm cá thu (hoặc mắm cá linh) hấp chín ăn với cơm. Trứng là nguyên liệu tạo chất kết dính trong nhiều món ăn khác như nem rán hay chả rươi. Nếu không có trứng độ ngon của các món ăn sẽ khó lòng mà nguyên vẹn được.

Nếu nhắc đến trứng mà không nhắc đến trứng muối thì quả là thiếu sót. Trứng muối cũng giống như tên gọi, là loại trứng được ngâm trong nước muối mặn trong khoảng thời gian nhất định. Đó là món ăn quen thuộc và là một trong những nguyên liệu gây “sốt” trong những món bánh, món tráng miệng hay kể cả món chính trong thực đơn của nhiều người, đặc biệt là người Sài Gòn.

Trứng muối cho vị bùi bùi, béo béo hòa với chút mặn mặn giúp các món ăn tăng thêm độ ngon và nhìn cũng bắt mắt, hấp dẫn hơn. Trứng muối ăn cùng cháo trắng còn là cảm hứng để biến tấu nhiều món đồ uống, ví dụ như sữa tươi trứng muối trân châu đường đen - thứ nước uống giới trẻ đặc biệt thích. Hay như đậu chiên trứng muối, bắp xào trứng muối, bò nướng sốt trứng muối và đặc biệt là bánh bông lan trứng muối, bánh nướng bánh dẻo nhân trứng muối.

Cùng với trứng muối còn có trứng bắc thảo. Món này có nguồn gốc từ Trung Quốc và còn mang nhiều tên gọi khác như trứng bách thảo, bách nhật trứng, thiên niên bách nhật trứng. Trứng bắc thảo được làm từ trứng vịt, nhưng cũng có thể sử dụng trứng cút hoặc trứng gà. Để làm món trứng bắc thảo người ta ủ trứng trong hỗn hợp phèn chua, bồ kết, đinh hương, quế bột, chấu... trong thời gian 2 - 3 tháng hoặc có thể lâu hơn.

Trứng sau thời gian ủ, khi bóc lớp vỏ bọc bên ngoài sẽ có màu đen. Vỏ này lẫn lộn với muối, hạt tiêu, nhiều quả trứng bắc thảo đôi khi còn có hoa văn nổi lên trên bề mặt trông rất đẹp mắt. Lòng đỏ bên trong của trứng bắc thảo có màu xám (hoặc xanh đen) có mùi hăng, vị béo. Là người ăn lần đầu sẽ hơi khó ăn, tuy nhiên nếu ăn thường xuyên sẽ cảm thấy rất ngon. Thường trứng bắc thảo ăn cùng cháo, nấu với rau dền đỏ, hoặc làm món thịt hấp trứng bắc thảo.

Trứng được sử dụng thông dụng nhất là trứng gà, trứng vịt, rồi trứng chim cút. Kén người ăn hơn thì có trứng ngỗng (món ăn được cho là có độ dinh dưỡng cao, chỉ dành cho bà bầu), hiếm hơn thì có trứng đà điểu. Hà Nội thời bao cấp có khi 1 quả trứng cũng gánh được cả bữa cơm. Bây giờ không biết có ai còn nhớ món trứng bác hay không, chứ thế hệ 7x, 8x chắc vẫn không quên.